Liên kết sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Tổ chức lại sản xuất trên nền quy hoạch mới
Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đang được các bộ ngành và các địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện quyết liệt. Qua hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết 120 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức chính quyền các cấp, các ngành và người dân về thay đổi lối tư duy phát triển cục bộ địa phương, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết để phát triển, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Nghị quyết đã góp phần thúc đẩy quy hoạch kết nối liên vùng để khai thác lợi thế của các địa phương và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển trong vùng từ sự đầu tư của Chính phủ, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế… Cùng với các bộ, ngành chức năng, các địa phương đang dần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển bền vững, nhất là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, cơ bản cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã chuyển dịch theo đúng định hướng thủy sản – trái cây – lúa gạo.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: “Chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng và thông minh hơn, chứ không chỉ trồng lúa. Cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn. Từ đó, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó. Chúng ta bước đầu thấy vai trò của các doanh nghiệp có công nghiệp chế biến và có khả năng tiêu thụ nông sản không thể thiếu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 120”.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: “Nếu ví ĐBSCL như một cơ thể sống vận hành trong một tổng thể thì các hệ thống này không theo ranh giới hành chính của các địa phương. Biến đổi khí hậu cũng không diễn ra theo ranh giới hành chính các tỉnh. Ảnh hưởng của việc khai thác cát cũng không theo ranh giới hành chính… Tất cả sông rạch ở ĐBSCL thuộc một hệ thống sông Cửu Long, khi khai thác cát làm sâu đáy sông ở một nơi thì đáy sông sẽ tái phân phối lại, làm cho toàn bộ đáy sông bị sâu theo. Khi đáy sông chính bị sâu thì sẽ rút bùn cát từ sông nhánh, kênh rạch ra làm cho sông nhỏ, kênh rạch cũng bị sâu thêm và sạt lở lan tỏa khắp đồng bằng. Khi khai thác cát trên sông thì bờ biển vùng cửa sông Cửu Long cũng bị đói cát và sạt lở…”.
Hoàn thiện cơ chế điều phối vùng
Biến đổi khí hậu trong những năm qua đã tác động tiêu cực đối với tất cả các lĩnh vực, vùng miền của Việt Nam; đặc biệt là vùng ĐBSCL với quy mô, phạm vi ảnh hưởng vượt quá khả năng ứng phó độc lập của từng địa phương. Năm 2021, dự báo nguồn nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra phức tạp tại ĐBSCL. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu nhìn nhận: “Các địa phương trong vùng cần liên kết chặt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó cần tập trung triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất liên kết vùng; xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý giữa các tỉnh vùng ĐBSCL trong việc cung cấp thông tin về diễn biến của xâm nhập mặn để mỗi địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả…”.
Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, liên kết vùng là việc tất yếu phải làm, vì có những vấn đề ở cấp vùng phải giải quyết chung chứ không thể “đèn nhà ai nấy sáng” theo từng địa phương. Chính phủ đã có Quyết định 593 về liên kết vùng. Đây là tầm nhìn rất chiến lược. Tuy nhiên, việc thực hiện tới nay gần như chưa đáng kể vì cơ chế phê duyệt chưa rõ ràng. Nhiều tiểu vùng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng cửa sông Cửu Long, vùng bán đảo Cà Mau đã xây dựng đề án, tầm nhìn, chưa được phê duyệt và dần đi vào quên lãng. Ngoài ra, liên kết vùng thường bị hiểu đơn giản là tìm nông sản chủ lực gì đó của các địa phương, cây xoài, cây ổi, con tôm, cây lúa… chẳng hạn, rồi liên kết. Cách hiểu này rất hẹp, không đúng tinh thần Quyết định 593 của Chính phủ. Liên kết vùng cần hiểu rộng hơn là để cộng lực giữa các địa phương, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, tránh cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương và để giải quyết những vấn đề cấp vùng mà từng địa phương không giải quyết được, kể cả về quản lý nước, giao thông, hàng không, thương mại, sinh thái, giáo dục, dạy nghề… Liên kết vùng là liên kết nhiều mặt chứ không chỉ là nông sản.
Ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả hơn nữa của Nghị quyết 120 của Chính phủ, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt là tăng cường thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tại ĐBSCL (các hiện tượng xói lở, xâm nhập mặn, điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất…), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trung tâm tích hợp dữ liệu vùng; xây dựng hệ thống thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng – thủy văn và biến đổi khí hậu, tạo sự liên kết, phối hợp, điều phối trong hoạt động chung của vùng ĐBSCL.
UBND TP Cần Thơ cho biết, hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120 dự kiến diễn ra vào ngày 13-3 tại TP Cần Thơ. Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 120, trong đó tập trung vào các nội dung: công tác huy động nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển vùng ĐBSCL; tình hình xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ chế điều phối vùng; việc chuyển đổi sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư các dự án hạ tầng thủy lợi, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị sơ kết còn đánh giá việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL và thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối vùng ĐBSCL với các trung tâm phát triển kinh tế; việc rà soát và thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, nông thôn, sắp xếp, bố trí lại dân cư, cung cấp nước sạch cho người dân…
Trước đó, ngày 24-2, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 120. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chủ trì chuẩn bị và tổ chức hội nghị; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ KH-ĐT, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng và các cơ quan có liên quan xây dựng báo cáo sơ kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết. Báo cáo cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại nghị quyết; nêu rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, sáng kiến để đẩy nhanh việc thực hiện nghị quyết.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.