Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Hẹn đến… cuối năm
Cận cảnh cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chưa thi công xong tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CAO THĂNG
Đã thi công 77% khối lượng
Để dự án hoàn thành (dự kiến tháng 10-2021) như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi vào cắt băng thông tuyến dịp đầu năm 2021, những ngày này, trên công trường xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có khoảng 1.500 công nhân, kỹ sư, người lao động và gần 1.000 phương tiện tất bật thi công liên tục 3 ca.
Ghi nhận của phóng viên, suốt dọc tuyến, phần lớn các gói thầu đã thi công xong phần nền đường, nhiều đoạn đã và đang thảm bê tông nhựa C19. Các cầu trên tuyến cơ bản hoàn thành. Tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang), tuyến đường chính của đoạn đầu tuyến cao tốc mới đã cơ bản hoàn thiện. Tiếp giáp nút giao này, có một nhánh đường chính của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và một đường nhánh phía bên phải, để các phương tiện rẽ xuống huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Chia sẻ về tiến độ dự án tại công trường thi công, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (người trực tiếp chỉ đạo, giám sát thường xuyên tại công trình), cho biết, sau thời gian tạm ngưng thi công để phục vụ xe lưu thông tạm dịp tết, từ mùng 4 Tết, tất cả công nhân đã trở lại làm việc bình thường. Đơn vị đang phấn đấu để có thể hoàn thành dự án vào khoảng tháng 9, tháng 10-2021, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Các nhà thầu đang triển khai thi công 31 gói thầu xây lắp trên toàn tuyến; phần tuyến chính đã cơ bản nên hình hài. Đến thời điểm này, dự án đã thi công đạt hơn 77% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51km đã được thông.
Mong chờ…
Thông tin về tiến độ xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được người dân ĐBSCL, đặc biệt người dân Tiền Giang mong ngóng hàng ngày. Bởi tuyến QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang hiện nay đang quá tải nặng nề. Nhiều đoạn, nhất là các đoạn qua cầu – những cây cầu xây dựng từ nhiều chục năm trước chỉ có 2 làn qua lại, gần như luôn bị ùn tắc vào dịp cuối tuần, lễ, tết. Nhiều người dân sống gần khu vực dự án còn thường ra công trường để theo dõi các nhà thầu thi công, với mong mỏi sớm đến ngày thông xe. Ông Cao Văn Bính ở huyện Châu Thành, năm nay đã 74 tuổi, tâm sự: “Nếu tuyến này được đưa vào sử dụng trong dịp lễ 30-4 và 1-5 thì bà con sẽ rất vui. Chúng tôi đã rất mong có con đường này”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), cho biết, vừa qua, chỉ mới chạy thực nghiệm chứ chưa phải thông xe để đưa vào sử dụng. Theo hợp đồng, dự án cuối năm 2021 mới đưa vào sử dụng. Do vậy, khả năng lễ 30-4 và 1-5 sắp tới chưa thể cho xe lưu thông. Ông Hồ Minh Hoàng giải thích thêm, nếu cho xe lưu thông thì buộc phải ngừng thi công, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Mặt khác, do dự án triển khai thi công cấp bách, nhiều khu vực đất yếu chưa được xử lý dứt điểm, nên nếu không thật cần thiết, không cho lưu thông để đảm bảo an toàn.
Hiện chủ đầu tư đang cùng với Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước giải quyết một số tồn tại của dự án. Trong đó, đặc biệt kiểm tra, xác định rủi ro tiềm ẩn của nền đường (lún) do tác động của biến đổi khí hậu, địa chất phức tạp tại khu vực. Những vấn đề này, các cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định và đưa ra phương án để chủ đầu tư xử lý trước khi nghiệm thu hoàn thành dự án…
Chủ đầu tư cũng kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc TPHCM – Trung Lương (Trạm chợ Đệm) để tổ chức quản lý thu phí đồng bộ, liên thông trên toàn tuyến cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Việc sớm đưa tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL. Do đó, nhiều người dân mong muốn lần hẹn hoàn thành dự án này là lần hẹn cuối cùng. Mọi lý do sai hẹn đều không được chấp nhận.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng.
Hiện, dự án đã giải ngân hơn 7.246 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu và vốn nhà đầu tư hơn 3.053 tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 2.317 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.776 tỷ đồng.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.