ASEAN sẵn sàng giúp đỡ Myanmar thúc đẩy hòa giải

Ngày 10-4, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc (LHQ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy đối thoại, hòa giải. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của ASEAN về cuộc khủng hoảng tại Myanmar dự kiến diễn ra vào ngày 20-4 tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

k8b_ntvl
Người dân Myanmar biểu tình ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: Reuters

Cần đóng góp một cách xây dựng

Ngày 9-4 (giờ địa phương), một cuộc họp về tình hình Myanmar được các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ gồm Anh, Mỹ, Estonia, Pháp, Ireland và Na Uy đồng chủ trì tổ chức theo thể thức Arria, bằng hình thức trực tuyến. Arria là một hình thức họp không chính thức của HĐBA với sự tham dự rộng rãi của các nước thành viên trong LHQ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Trong đó, các báo cáo viên đều bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Myanmar, cảnh báo về các nguy cơ khủng hoảng kinh tế, lương thực, y tế cũng như nguy cơ xảy ra nội chiến. Nhiều ý kiến kêu gọi kiềm chế bạo lực, tránh làm gia tăng căng thẳng và đề nghị giải quyết các khác biệt, bất đồng thông qua đối thoại và hòa giải, phù hợp với nguyện vọng của người dân Myanmar.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho tất cả mọi người và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Myanmar kiềm chế các hành vi bạo lực, tiến hành đối thoại và hòa giải theo ý chí và nguyện vọng của người dân, vì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đại diện Việt Nam cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đóng góp một cách xây dựng để giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đối thoại và hòa giải, tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar, ủng hộ vai trò Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và kêu gọi các bên tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến công tác này của đặc phái viên tới Myanmar.

Tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định, 55 triệu người dân Myanmar đều là thành viên của đại gia đình ASEAN và ASEAN luôn sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách xây dựng, hòa bình thông qua các cơ chế liên quan. Các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã và đang cùng các bên liên quan ở Myanmar thúc đẩy đối thoại, tạo thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho vấn đề này. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN, mong muốn các cuộc thảo luận ở LHQ về các vấn đề quan trọng liên quan cần có sự tham vấn đầy đủ với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực.

Trước đó, tuyên bố trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, đang ở thăm Indonesia, cho biết, Vương quốc Anh sẽ ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết khủng hoảng tại Myanmar. Indonesia nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao về Myanmar.

Theo nhận định trên báo The Straits Times của ông Bilahari Kausikan, Chủ tịch Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chừng nào ASEAN vẫn còn có động thái, thì các nước khác có thể để ASEAN dẫn đầu vì “vai trò trung tâm” của tổ chức này. ASEAN đang phải duy trì một sự cân bằng tinh tế. Các nhà lãnh đạo là những tiếng nói có trọng lượng nhất của ASEAN. ASEAN có thể quản lý rủi ro và duy trì được một sự cân bằng như vậy, miễn là các nước bạn bè và đối tác đối thoại của khối này ở phương Tây hiểu được tính phức tạp của tình hình, có được can đảm chính trị để kiên nhẫn và tránh đưa ra những đòi hỏi thiếu thực tế.

Estonia, nước ủy viên không thường trực của HĐBA, cho rằng, hội đồng gồm 15 thành viên này cần bắt tay soạn thảo một nghị quyết, trong đó có thể có các lệnh trừng phạt đối với Myanmar, bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, Nga và Trung Quốc, đều có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ, vẫn luôn phản đối các biện pháp trừng phạt.

Nguồn SGGP