Hội thảo khôi phục độ phì nhiêu cho đất canh tác lúa ở các huyện phía Đông

(THTG) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, các doanh nghiệp phân bón trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo tìm giải pháp khắc phục tình trạng thoái hóa, khôi phục độ phì nhiêu cho đất canh tác lúa ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh.

vlcsnap-2021-04-15-09h14m20s393

vlcsnap-2021-04-15-09h14m44s655

Quang cảnh hội thảo khôi phục độ phì nhiêu cho đất canh tác lúa ở các huyện phía Đông. Ảnh: Việt Bình

Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đất trồng lúa bị thoái hóa nhanh trong những năm gần đây như: nông dân lạm dụng phân bón hóa học, tình trạng thâm canh liên tục, tác động của biến đổi khí hậu,… Qua phân tích và đánh giá cho thấy, đất canh tác cây lúa các huyện phía Đông của tỉnh bị thoái hóa nặng nề hơn các vùng khác do xâm nhập mặn khốc liệt, trong khi đó, do áp lực xuống giống theo mùa vụ, nông dân không đầu tư cao cho công tác rửa mặn, rửa chua và chưa quan tâm trả lại cho đất nguồn rơm rạ hoai mục sau mỗi vụ mùa. Đặc biệt có một số địa phương như xã Bình Đông, Bình Xuân, thị xã Gò Công hay các xã giáp biển thuộc huyện Gò Công Đông có độ pH thấp, hàm lượng chất hữu cơ trong đất rất thấp…

vlcsnap-2019-03-27-08h23m08s343

vlcsnap-2019-03-27-08h28m13s638

Nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Minh Trí

Trên cơ sở phân tích và đánh giá, các nhà khoa học đề xuất một số giải pháp cải thiện độ phì nhiêu cho đất trồng lúa ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang như sau: cải tạo độ mặn trong đất, bón vôi kết hợp với tháo nước để rửa mặn, bón các chế phẩm cải tạo đất, tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai, bón hợp lí phân N, P, đồng thời không sản xuất chuyên canh 3 vụ lúa/năm, mà phải thực hiện cắt vụ, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc 2 vụ lúa luân canh với 1 vụ màu và quan tâm trồng thêm các loại cây trồng họ đậu để bổ sung thêm độ phì nhiêu cho đất.

Kim Nữ