Không chủ quan, lơ là khi dịch COVID-19 đang “bủa vây” tứ phía

Diễn biến nhanh chóng và phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Á và khu vực Đông Nam Á là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ với Việt Nam. Chúng ta không được phép chủ quan, lơ là với những biện pháp phòng dịch.

Dẫu thế giới đã có vaccine phòng dịch thì thảm kịch Covid-19 những ngày qua tại Ấn Độ vẫn khiến cả thế giới bàng hoàng. Chưa khi nào, mạng sống của con người lại mong manh như thế. Ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đã phải thốt lên rằng, ngay cả trong mưa bom, bão đạn những năm chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, ông cũng không có cảm giác kinh hoàng như dịch bệnh Covid-19 lần này.

Và đáng lo ngại hơn nữa khi Lào, Campuchia – những nước có chung đường biên giới rất dài với Việt Nam đang rơi vào giai đoạn bùng phát tồi tệ khi các ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng. Thủ đô Vientiane và 6 địa phương khác của Lào đang bị phong tỏa. Tại Campuchia, gần 9.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận, trong đó có 61 ca tử vong. Đội xe buýt đang phải ngừng hoạt động ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã trở thành những “chợ di động” để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal)…

Dịch bệnh đã áp sát biên giới Việt Nam, nhất là tuyến biên giới Tây Nam. Chậm trễ, chủ quan lúc này là mọi thành quả trôi sông, trôi biển.

hoa_thieu_an_do_7-_getty_0

Ám ảnh kinh hoàng những khu vực thiêu xác bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Getty

Không phải ngẫu nhiên, từ Indonesia, khi đang tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành pháp trong việc phòng, chống dịch bệnh; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K; kiểm soát kỹ biên giới trên đất liền, trên biển, cửa khẩu; hạn chế tụ tập đông người; xử lý tốt, nhanh, dứt điểm khi xuất hiện ca bệnh.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ: “Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vaccine phòng bệnh”.

Trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, liên tục có cảnh báo với người dân, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Chủ động từ trong nước, Việt Nam cũng chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam bộ, Bộ Y tế liên tục có những chỉ đạo khẩn, để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch tại Việt Nam.

Người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn, khả năng xuất hiện đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam cũng không phải kịch bản bất ngờ. Đây là nguy cơ hiện hữu và càng đáng lo ngại hơn khi xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong một bộ phận dân cư.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, trên thế giới, tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Tại “điểm nóng” Covid-19 hiện nay trên thế giới là Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Y tế nước này, ông Harsh Vardhan cho biết, số ca nhiễm tăng vọt gần đây ở Ấn Độ có liên quan đến những sự kiện tụ tập đông người tại các cuộc bầu cử cấp địa phương, các đám cưới đông khách và những cuộc biểu tình của nông dân.

Dịp nghỉ lễ 30/4, mùng 1/5 của Việt Nam đang đến gần. Hoạt động thăm quan, du lịch, thăm thân chắc chắn sẽ diễn ra nhộn nhịp. Việc tụ tập đông người tại các điểm công cộng là không thể tránh khỏi. Vậy chúng ta sẽ ứng xử thế nào để sau kỳ nghỉ lễ, không phải nghe thấy các thông tin đáng buồn về dịch bệnh lây lan trong cộng đồng?

anh_1_1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác thăm và kiểm tra tại Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên- Kiên Giang Ảnh: Khôi Nguyễn.

Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch bệnh, đã chống chọi kiên cường để đạt được thành quả ngoạn mục, được thế giới ngợi ca, trở thành nước tăng trưởng dương hiếm hoi trên thế giới. Thành quả đó chỉ có thể được giữ vững nếu ngay lúc này, các biện pháp phòng dịch phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, kể cả việc phải dừng nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí… trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Chậm trễ và chủ quan lúc này, để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng lúc này là chúng ta có tội với chính mình.

3 đợt dịch bệnh, Việt Nam có 35 ca tử vong. Đó là con số thấp nhất có thể khi chúng ta nằm ngay cạnh quốc gia có điểm bùng phát Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Nhưng 3 đợt dịch bệnh đó, rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, hàng triệu người đã bị mất việc, rơi vào tình cảnh khó khăn. Những thành phố, những địa điểm du lịch trở nên đìu hiu, hoang vắng. Khách du lịch quốc tế không đến Việt Nam, những dịch vụ ăn theo gần như tế liệt.

Một cơ thể vốn chưa hẳn đã khỏe mạnh, lại thêm một trận ốm nữa, liệu có thể gượng dậy nổi không khi bệnh lần sau luôn đáng sợ hơn bệnh lần trước?.

Nếu Chính phủ có đưa ra những biện pháp mạnh lúc này thì tin rằng, mỗi người dân đều hiểu được mức độ cấp bách của dịch bệnh, chung sức, đồng lòng như chúng ta từng xác định “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, mỗi khu phố là một “pháo đài” chống dịch.

Nguồn vov.vn