Sửa đổi Luật Công chứng để đáp ứng thực tiễn
Các đại biểu nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Sáng ngày (30/8), tại TP HCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 11 với phần thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.
Luật Công chứng sửa đổi phải phân định rõ giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động công chứng |
Tại buổi họp, các đại biểu nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công chứng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn về công chứng, chứng thực hiện nay. Góp ý sửa đổi Luật, một số đại biểu đề nghị Luật phải phân định rõ giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động công chứng. Mặt khác nên chuyển đổi các phòng công chứng nhà nước thành văn phòng công chứng tư nhân vì nghề công chứng hiện đang phát triển rất mạnh nên nhà nước không cần thiết tổ chức ở các thành phố lớn mà chỉ nên thành lập phòng công chứng ở các vùng sâu, vùng xa vốn đang rất thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp tinh giản bộ máy nhà nước và thực hiện xã hội hóa công chứng.
Đóng góp ý kiến vào điều 6 dự thảo Luật, ông Phạm Trí Thức, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị: “Điều 6 về sửa đổi bổ sung quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng, là bước đột phá. Tuy nhiên khi quy định giá trị pháp lý được thi hành ngay mà không qua Tòa án thì phải hết sức cân nhắc. Bởi lẽ ở Việt Nam, khi công chứng việc mua bán nhà đất không theo giá hai bên thỏa thuận mà thường thường công chứng theo khung giá đất do Chính phủ quy định, nên giữa giá trong hợp đồng công chứng với giá thực tế là xa vời, và rất nhiều giao dịch dân sự gần như công chứng để giả cách. Như vậy chúng ta đưa ra để thi hành ngay thì rất khó”.
Cũng có đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng quy định thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp lĩnh vực công chứng là không phù hợp mà phải dựa trên cơ sở tự nguyện và căn cứ theo Nghị định của Chính phủ. Xuất phát từ các vấn đề trên, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải được thông qua theo quy trình 2 kỳ họp vì dự thảo Luật sửa rất nhiều, thêm 9 điều mới và 26 điều sửa đổi và còn nhiều vấn đề chưa rõ./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.