Philippines phản ứng mạnh Trung Quốc
Giới chuyên gia cho rằng biển Đông đang đối mặt cuộc khủng hoảng khai thác thủy sản quá mức với sự hiện diện của đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc
Khẳng định lệnh cấm của Bắc Kinh không có hiệu lực đối với các khu vực thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Manila, Lực lượng Đặc nhiệm của Philippines về biển Đông (PSCST) khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi và đánh bắt tại các vùng biển của nước này.
PSCST cũng nhấn mạnh Philippines sẽ tiếp tục tuần tra để thực thi pháp luật và tập trận hàng hải tại các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Lực lượng này còn chỉ trích hải cảnh Trung Quốc vì những hành vi nguy hiểm đối với hải cảnh Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough hồi cuối tháng 4.
Thành viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) theo dõi một số tàu nghi là tàu dân quân Trung Quốc trên biển Đông hôm 27-4Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh bãi cạn Scarborough là một phần của lãnh thổ Trung Quốc và hối thúc Philippines ngừng thực hiện những bước đi có thể làm phức tạp tình hình. “Chúng tôi hy vọng một số cá nhân tại Philippines sẽ để tâm đến phép xử sự cơ bản và hành xử phù hợp với vai trò của mình” – ông Uông nói thêm, dường như ám chỉ Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin.
Ông Locsin hôm 3-5 có những lời lẽ mạnh mẽ trên mạng xã hội Twitter, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển không thuộc về nước này ở biển Đông. Theo báo Philippine Daily Inquirer, Bộ trưởng Locsin đã xin lỗi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vì sử dụng ngôn từ không phù hợp và giải thích rằng ông “bị khiêu khích bởi hành vi xâm phạm lãnh thổ nghiêm trọng gần đây nhất”.
Trước đó, vào ngày 29-4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cũng phản đối và bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá nêu trên của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng: “Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Việt Nam cho rằng việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với quy định UNCLOS 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.
Theo Reuters, Bắc Kinh đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá kể từ năm 1999 ở các khu vực thuộc biển Đông và vùng biển ngoài khơi Trung Quốc với lập luận “bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Lệnh cấm năm nay kéo dài từ ngày 1-5 đến 16-8.
Theo trang Inquirer.net, giới chuyên gia cho rằng biển Đông đang đối mặt cuộc khủng hoảng khai thác thủy sản quá mức với sự hiện diện của nhiều tàu cá lớn của Trung Quốc. Chưa hết, vùng biển này còn hứng chịu những tổn thất nặng nề về môi trường do hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh khiến hệ sinh thái san hô bị hủy hoại.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.