Xung đột Israel – Palestine: Nguy cơ gia tăng chủ nghĩa cực đoan khu vực
Tính đến sáng 15-5, Israel đã tấn công vào khoảng 750 mục tiêu của Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, trong khi phía Hamas đã phóng khoảng 1.800 quả đạn pháo về phía Israel. Đã có ít nhất 132 người Palestine (trong đó có hơn 50 phụ nữ và trẻ em) và 9 người Israel thiệt mạng. Cuộc giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 15-5, hàng ngàn người đã diễu hành ở các thành phố Sydney (Australia) phản đối các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: REUTERS
Thiếu hợp tác giữa các quốc gia thành viên
Trong lúc lời kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng giao tranh ngay lập tức ở Dải Gaza và Israel trở nên vô vọng, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) đưa ra lập trường thống nhất về cuộc xung đột Israel – Palestine
Theo kế hoạch, ngày 16-5, sẽ diễn ra cuộc họp khẩn cấp của HĐBA liên quan đến leo thang căng thẳng hiện nay giữa Israel và Palestine. Khi được hỏi kỳ vọng về cuộc họp này, người phát ngôn Stephane Dujarric của TTK LHQ nêu rõ: “Những gì mà chúng tôi muốn chứng kiến… là một tiếng nói mạnh mẽ, thống nhất yêu cầu giảm leo thang, yêu cầu chấm dứt những hành động thù địch và thúc đẩy các bên trở lại tìm kiếm một giải pháp chính trị dành cho cuộc xung đột đã và đang liên tục diễn ra”.
Theo ông Dujarric, cuộc giao tranh hiện nay không chỉ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo không thể kiểm soát, mà còn thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan ở khu vực. Để chấm dứt xung đột, các bên cần tạo điều kiện cho các nỗ lực hòa giải với sự tham gia tích cực của LHQ và cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng ở Dải Gaza. Cho đến lúc này, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế, ngừng ngay các cuộc xung đột gây thương vong cho dân thường.
Cùng với xung đột quân sự đang diễn ra giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine, các vụ bạo lực liên tục xảy ra giữa những người Do Thái và người Arab đang sinh sống tại Israel, khiến hàng chục người bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ. Lo ngại trước nguy cơ bạo lực lan rộng do bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc, Israel đã quyết định triển khai quân đội tại các thành phố có nguy cơ cao. Giới phân tích lo ngại tình trạng bạo lực đang diễn ra giữa người Israel gốc Do Thái và gốc Arab sẽ có nguy cơ dẫn tới nội chiến ở Israel. Cuộc xung đột này đe dọa gây thêm sự xa cách và cực đoan hóa của người Israel gốc Arab đối với xã hội đa số là người Do Thái ở Israel, tái hiện một Nam Tư cũ trên chính trường thế giới.
Khó giải quyết
Trong bối cảnh chung thực tế ở Trung Đông hiện nay, có dấu hiệu cho thấy sự đối đầu giữa các cường quốc khu vực có phần giảm bớt. Chính vì vậy, vấn đề Palestine – Israel khó có thể tiếp tục trở thành chủ đề chính của khu vực Trung Đông. Đó là nguyên nhân vì sao vấn đề Palestine – Israel đã bị gạt ra bên lề trong một thời gian, mặc dù trên thực tế đây chính là gốc rễ ảnh hưởng đến sự phát triển của tình hình Trung Đông. Hiện nay, mối quan tâm chính của các cường quốc khu vực là vấn đề hạt nhân Iran và việc chuyển đổi mô hình kinh tế ở trong nước.
Một mặt, dư luận hy vọng cùng với sự hòa giải của cộng đồng quốc tế, hai bên sẽ cùng xoa dịu tình hình, không để mọi việc vượt tầm kiểm soát. Rồi đây, hai bên sẽ lại đi vào thỏa thuận ngừng bắn và ngừng chiến với nhau. Tuy nhiên, lần này chắc chắn không phải là lần cuối cùng hai bên đụng độ quân sự.
Giữa Israel – Palestine ở khu vực Trung Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đụng độ bạo lực và chiến tranh giống như kho thuốc nổ mà chỉ cần một tia lửa nhỏ là đủ để gây ra vụ nổ lớn. Chừng nào chưa có hòa bình và hòa giải thật sự, chừng đó đụng độ quân sự và chiến tranh lại bùng phát như được lập trình sẵn, vấn đề chỉ là thời gian.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.