Kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9): Nâng cao tính chuyên nghiệp cho nhạc Việt
Những thành tựu đáng tự hào
Nhìn toàn cảnh sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, có thể thấy sự trưởng thành, phát triển đáng tự hào của đội ngũ những người làm công tác sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận phê bình và đào tạo âm nhạc. Cách đây vài thập niên, đó là thời kỳ hoàng kim của âm nhạc cách mạng với sự hài hòa, tính tư tưởng cao cùng với tính dân tộc và kinh điển. Sự phát triển của các loại hình âm nhạc như nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng, các loại hình âm nhạc dân tộc cùng với các thể loại âm nhạc khác tạo nên bức tranh âm nhạc hoành tráng xứng đáng với thời đại. Nhiều tác phẩm lớn đã ra đời trong thời kỳ này, như: Bản giao hưởng “Quê hương” 4 chương của nhạc sĩ-liệt sĩ Hoàng Việt; nhạc kịch “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; tổ khúc giao hưởng “Ông Gióng” viết cho dàn nhạc dân tộc của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát; thơ giao hưởng “Đồng khởi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương; nhạc kịch “Bên bờ Krông-pa” của nhạc sĩ Nhật Lai; Hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” của nhạc sĩ Hồ Bắc, “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” của nhạc sĩ Tô Hải…, cùng với những ca khúc bất hủ của Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Doãn Nho… Về nghệ thuật biểu diễn, tiếp nối Tạ Bôn, Bích Ngọc (violon), Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My (piano), đã có Đặng Thái Sơn (giải nhất Concours Chopin 1980), Tôn Nữ Nguyệt Minh, Đỗ Phượng Như, Bùi Công Duy…, nghệ sĩ biểu diễn đàn dân tộc Mai Phương, Thanh Tâm, Cồ Huy Hùng… Đó là những dấu ấn của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam ở đỉnh cao trong những thập niên cuối thế kỷ XX.
Một tiết mục trong chương trình Màu hoa đỏ 2013 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tối 27/7/2013, tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội. (Ảnh: Thế Dương) |
Trong những năm qua, đường lối âm nhạc của đất nước vẫn ưu tiên cho việc sáng tác khí nhạc, một loại hình khó, có tính quốc tế, cần có trình độ chuyên môn cao, cần có thời gian và công sức đầu tư dài hơi. Các tác phẩm khí nhạc tuy ít về số lượng nhưng vẫn được giới chuyên môn và bạn bè quốc tế đánh giá là có sự độc đáo, mang bản sắc Việt Nam và có trình độ chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, trong sáng tác cho nhạc cụ dân tộc, ngoài việc khôi phục và truyền dạy vốn âm nhạc cổ truyền của cha ông có nguy cơ mai một như: Nhã nhạc cung đình Huế, hát xẩm, hát xoan ghẹo, dân ca dân nhạc các dân tộc thiểu số…, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm mới cho nhạc cụ và dàn nhạc dân tộc. Năm 2009, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) thành lập Dàn nhạc Giao hưởng – Dân tộc, đây được đánh giá là một bước tiến mới về mô hình tổ chức và quy mô của âm nhạc dân tộc.
Sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong những năm qua còn thể hiện rõ nét ở lực lượng sáng tác ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn, đi sâu vào từng lĩnh vực như: nhạc sĩ chuyên viết giao hưởng, chuyên viết nhạc phim, chuyên sử dụng nhạc cụ điện tử… Theo số liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện nay có hơn 1.200 nhạc sĩ-nghệ sĩ trong tổ chức Hội, trong số đó có hơn 700 người là nhạc sĩ sáng tác. Đội ngũ nhạc sĩ ở các tỉnh thành đã phát huy được vai trò nòng cốt trong phong trào âm nhạc ở địa phương, góp phần đẩy lùi những sản phẩm âm thanh độc hại, ngoài luồng ngấm ngầm xâm nhập vào đời sống thường ngày của người dân, đặc biệt là lớp trẻ; đồng thời các nhạc sĩ, ca sĩ còn đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện văn hóa-chính trị lớn của đất nước.
Nhìn chung, âm nhạc Việt Nam trong những năm Đổi mới vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của âm nhạc cách mạng, đưa chất lượng sáng tác lên một cấp độ mới, phong phú hơn, đa dạng hơn, nhiều màu sắc hơn, giữ được tinh hoa của âm nhạc dân tộc đồng thời hình thành một đội ngũ nhạc sĩ trẻ, mạnh dạn thể nghiệm các loại hình âm nhạc mới…
Thực trạng ngổn ngang, bề bộn
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song bức tranh âm nhạc Việt Nam hiện nay khá ngổn ngang, bề bộn, có nhiều vấn đề phải bàn. Dễ nhận thấy nhất là sự phát triển thiếu hài hòa, mất cân đối giữa các loại hình âm nhạc. Chức năng giải trí đang lấn át các chức năng thẩm mỹ, sáng tạo, định hướng… của âm nhạc; dòng âm nhạc chính thống đang ngày càng tỏ ra “yếu thế” so với nhạc thị trường; số lượng tác phẩm âm nhạc tuy nhiều nhưng thiếu những tác phẩm đỉnh cao…
Trong thời kỳ Đổi mới, văn hóa Việt Nam và âm nhạc nói riêng chịu sự ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ bởi quy luật của kinh tế thị trường. Tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính định hướng dần bị phai nhạt, nhường chỗ cho văn hóa âm nhạc đại chúng, âm nhạc giải trí mà “ca khúc đại trà” (nhạc pop) lên ngôi, với đề tài chủ yếu về tình yêu nam nữ, nội dung và hình thức nhiều ca khúc xa rời với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các ca khúc pop đã biến thành hàng hóa theo đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa nhạc, của các ca sĩ đang “ăn khách” và cả của các doanh nhân, doanh nghiệp bỏ tiền tài trợ. Các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, đặc biệt là các báo điện tử, cũng vào cuộc “tôn vinh” thứ hàng hóa ấy, khiến thật giả lẫn lộn. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tự sáng tác và tự trình bày tác phẩm của mình, ai cũng có thể làm ra bài hát và trở thành “nhạc sĩ”. Điều này chưa hẳn là không tốt, âm nhạc thế giới cũng đã và đang diễn ra xu hướng này. Tuy nhiên, đáng lo ngại là trong số những ca khúc “tự biên tự diễn” ấy có nhiều tác phẩm kém chất lượng, thậm chí bị coi là “thảm họa âm nhạc” nhưng vẫn đến được với công chúng. Khi mọi tiêu chí bị đảo lộn, những “sáng tác” này tự do lên sân khấu, tự do phổ cập vì không được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, hoặc nếu có “để mắt” tới thì cũng có thể bị mua chuộc. Sự lệch lạc về thẩm mỹ còn được nhân lên trong giới trẻ với các bài hát tự sáng tác, tự biểu diễn lai căng nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Nhật… Chưa bao giờ có nhiều “nhạc sĩ”, “ca sĩ” tự phong như bây giờ, trong khi sân khấu nhạc nghiêm túc bị nhiều người hờ hững!
Việc duy trì và phát triển các thể loại âm nhạc kinh điển-bác học hiện đang gặp nhiều khó khăn, |
thách thức. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán/Báo Lao Động) |
Công tác lý luận, phê bình âm nhạc hiện nay cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Các nhà lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa yếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận. Lực lượng phê bình lớp trước đã không còn sự nhạy bén cần thiết trước đời sống âm nhạc hiện nay, nhường diễn đàn âm nhạc cho các nhà báo không chuyên về âm nhạc tùy thích “thẩm định”, lên tiếng “định vị” cho các giá trị nghệ thuật. Nhiều vụ “đạo nhạc” thô thiển, trắng trợn từ nội dung đến hình thức không có người lên tiếng phê bình và từ đó cái xấu cứ thế lan tràn. Khoảng trống trong lý luận, phê bình có thể sẽ ngày một rộng ra nếu như tiếp tục thiếu vắng vai trò của các nhà lý luận, phê bình, vốn được coi là những người “cầm cân nảy mực” trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.
“Cần có một bộ luật về âm nhạc”
Một buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ Hội Nhạc sĩ Việt Nam. (Ảnh: Thành Tâm) |
Âm nhạc có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Không đơn thuần chỉ để giải trí, âm nhạc còn có khả năng nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ, góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người. Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đã cho thấy âm nhạc còn là một vũ khí sắc bén và đã từng thể hiện sức mạnh to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc trong công cuộc giải phóng, bảo vệ và dựng xây đất nước. Không chỉ là ngày hội tôn vinh âm nhạc, kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam còn là dịp để mỗi chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu của âm nhạc nước nhà, nhận rõ những hạn chế, yếu kém; động viên các văn nghệ sĩ phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam, phấn đấu có nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.