Nguy cơ “bội thực” nguồn cung vật liệu xây dựng

Sau thời gian phát triển “nóng”, một số sản phẩm vật liệu xây dựng đang đứng trước nguy cơ bội thực nguồn cung.

sanxuatvatlieuxaydung_ipur
Sản xuất kính xây dựng tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm giá để giảm tồn kho

 Xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng là 3 sản phẩm được Bộ Xây dựng xếp vào danh mục báo động đỏ khi đang xảy ra thực trạng cung vượt cầu. Tính đến nay, tổng số dây chuyền xi măng đã đạt con số 85 với tổng công suất sản xuất trên 100 triệu tấn/năm, nhưng trong nước chỉ tiêu thụ 62 triệu tấn/năm.

Theo đánh giá của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thị trường tiêu thụ nội địa đã chững lại khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu dù có thuận lợi nhưng lại thiếu bền vững, hiệu quả giảm sút. Đơn cử, năm 2018, xi măng xuất khẩu đạt 31,6 triệu tấn, nhưng chỉ thu về 1,246 tỷ USD, đơn giá bình quân chưa đầy 40 USD/tấn. Năm 2020, xuất khẩu 38 triệu tấn, nhưng giá xuất khẩu thậm chí còn giảm đi, chỉ đạt 37 USD/tấn.

Hiện nay, Trung Quốc và Philippines là thị trường tiêu thụ chính của ngành xi măng trong nước. Nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào 2 thị trường này cũng là một nguy cơ, bởi khi họ điều chỉnh sản lượng nhập khẩu, doanh nghiệp xi măng sẽ trở tay không kịp. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan đang tìm hiểu ngành xi măng Việt Nam với mong muốn góp một tỷ lệ vốn nhất định vào doanh nghiệp sản xuất tư nhân để thuận đường xuất khẩu về nước.

Số phận của ngành sản xuất kính xây dựng cũng ảm đạm không kém, khi sản lượng dư thừa khoảng 80 triệu m². Cụ thể, sản lượng sản xuất kính xây dựng năm 2020 đạt khoảng 280 triệu m², nhưng sản lượng kính phẳng tiêu thụ chỉ khoảng 200 triệu m². Hiện tại, một số doanh nghiệp sản xuất kính đã phải tạm dừng sản xuất trên một số dây chuyền.

Tương tự ở lĩnh vực gạch ốp lát, tính đến hết năm 2020, cả nước có 83 nhà máy sản xuất với tổng công suất khoảng 826 triệu m²/năm, nhưng chỉ sản xuất 560 triệu m² và tiêu thụ chỉ 465 triệu m². Việc dư thừa cả trăm triệu m² đã buộc các doanh nghiệp trong ngành tìm mọi cách để bán hàng, khiến việc cạnh tranh thêm khốc liệt. Báo cáo của Công ty cổ phần CMC, doanh nghiệp chuyên sản xuất VLXD, cho thấy, năm 2020 đã giảm doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 14% và 26,7% so với thực hiện trong năm 2019.

“Ngoài nguyên nhân do dịch bệnh, cung vượt cầu đã khiến việc cạnh tranh về giá diễn ra khốc liệt, các nhà máy đua nhau giảm giá cắt lỗ để giảm tồn kho, dẫn đến kết quả kinh doanh bị giảm”, đại diện bộ phận kinh doanh Công ty CMC chia sẻ.

Siết đầu tư tràn lan

Không chỉ vậy, ngành gạch ốp lát còn đang gặp khó ngay trên sân nhà khi hàng ngoại đổ bộ ào ạt nhưng không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, giá cả.

Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, hiện nay, sản phẩm gạch ốp lát Việt Nam xuất sang các nước trong khối ASEAN đều phải xin giấy phép “con” chứng nhận chất lượng của từng nước, trong khi hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam lại không cần có chứng nhận.

Chẳng hạn, hiện Trung Quốc, Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất gạch ốp lát đứng đầu thế giới với khả năng cung ứng gần 80% sản lượng của cả thế giới. Các doanh nghiệp ở 2 nước này, đặc biệt từ Trung Quốc, luôn tìm mọi cách đẩy hàng sang Việt Nam, kể cả dưới dạng trốn thuế và gian lận thương mại. Nhiều năm qua, gạch ốp lát Trung Quốc đã chiếm tới 20%-25% thị trường Việt Nam với giá rất rẻ khiến hàng trong nước thêm lao đao.

Theo Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, thì tổng công suất đầu tư cả 3 sản phẩm nêu trên đã tiệm cận mục tiêu năm 2025. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã phải cạnh tranh bằng mọi giá để bán hàng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, các bộ, ngành cần xem xét kỹ lưỡng khi tiếp tục cấp phép đầu tư những dự án sản xuất 3 loại vật liệu này. Đối với thị trường trong nước, việc đầu tư phát triển VLXD, các ngành xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng phải thực hiện nghiêm chủ trương đầu tư theo Chiến lược Phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, tránh tình trạng nguồn cung tiếp tục vượt xa nhu cầu.

Tại cuộc làm việc mới đây với các địa phương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, với hiện trạng của ngành xi măng, gạch ốp lát và kính xây dựng, khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất cần cân nhắc, tránh việc đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đặc biệt với lĩnh vực xi măng, phải thực hiện theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế việc đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các TP lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ.

“Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về VLXD trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Nguồn SGGP