Đa dạng chiến lược đối phó biến thể Delta
Thái Lan cho phép bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà
Đáng chú ý, chính phủ Thái Lan hôm 13-7 cho phép bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà, cũng như bật đèn xanh với việc sử dụng bộ xét nghiệm nhanh ở nhà. Theo Reuters, động thái này diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 gây sức ép lên năng lực xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe của thủ đô Bangkok, tâm điểm của đợt bùng phát hiện nay. Quốc gia Đông Nam Á này hôm 13-7 ghi nhận 8.685 ca nhiễm và 56 trường hợp tử vong do Covid-19. Trong đợt dịch hiện nay, biến thể Alpha gây ra nhiều ca vào thời gian đầu nhưng 57% trường hợp nhiễm bệnh gần đây ở Bangkok có liên quan đến biến thể Delta.
Thái Lan hiện chủ yếu sử dụng xét nghiệm RT-PCR nhưng dòng người xếp hàng dài tại các cơ sở xét nghiệm ở Bangkok khiến nhà chức trách xem xét lại các biện pháp truy vết ca nhiễm. Một quan chức Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan cho biết đang nỗ lực duy trì giá của bộ xét nghiệm nhanh (kém chính xác hơn so với xét nghiệm RT-PCR) ở mức khoảng 100 baht (khoảng 70.000 đồng) một khi chúng có mặt ở các cửa hàng trong tuần tới như dự kiến.
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo vừa yêu cầu phân phối 300.000 gói thuốc cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Theo hãng tin Antara, chương trình này dự kiến bắt đầu từ ngày 14-7. Ông Luhut Binsar Pandjaitan, Phó Chủ tịch Ủy ban xử lý Covid-19 và Hồi phục kinh tế quốc gia (KPCPEN), cho biết số thuốc trên sẽ đến tay ít nhất 210.000 bệnh nhân Covid-19 đang tự cách ly trong vài tháng tới và thành viên Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia sẽ tham gia quá trình phân phối thuốc Covid-19.
Một phụ nữ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Bangkok – Thái Lan hôm 10-7. Ảnh: REUTERS
Ông Pandjaitan cũng xác nhận chính phủ sẽ nhập khẩu máy tạo ôxy dành cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ. Quan chức này bày tỏ hy vọng tình hình sẽ cải thiện vào tuần tới sau khi chính phủ có một số bước đi để giải quyết tình trạng thiếu hụt giường bệnh và ôxy y tế, cũng như thúc đẩy chương trình tiêm chủng và hạn chế sự đi lại của người dân. Indonesia hiện có thể tiêm khoảng 1 triệu liều vắc-xin Covid-19/ngày và kế hoạch sắp tới là tăng con số này lên 2 triệu vào tháng tới. Theo báo The Jakarta Post, Indonesia đã ghi nhận hơn 2,5 triệu ca Covid-19 cho đến giờ.
Ngay cả Israel cũng phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế để đối phó với biến thể Delta sau khi trở lại cuộc sống bình thường không bao lâu. Theo chính sách “áp chế mềm”, chính phủ Thủ tướng Naftali Bennett muốn người dân sống chung với dịch bệnh trong lúc áp dụng ít biện pháp hạn chế nhất có thể và tránh phong tỏa toàn quốc để giảm thiểu tổn thất kinh tế do dịch bệnh gây ra. Các bước đi được tiến hành khi theo đuổi chính sách trên là giám sát số ca nhiễm, khuyến khích tiêm chủng, xét nghiệm nhanh và tuyên truyền về đeo khẩu trang. Theo Reuters, hầu hết người dân thuộc các nhóm nguy cơ đều đã được tiêm chủng và ông Bennett hy vọng số người bệnh nặng sẽ không nhiều như trước ngay cả khi số ca nhiễm tăng.
Còn tại Pháp, hàng trăm ngàn người đã đổ xô đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 sau khi Tổng thống Emmanuel Macron vào đêm 12-7 (giờ địa phương) công bố các biện pháp hạn chế nhằm vào người chưa tiêm chủng. Động thái này là một phần chiến lược của chính phủ Pháp nhằm đối phó sự gia tăng của số ca nhiễm do biến thể Delta gây ra.
Cụ thể, nhà lãnh đạo Pháp cho biết bất kỳ ai muốn ra ngoài ăn uống, đi xe điện đường dài hay đến trung tâm mua sắm đều phải trình giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Người dân cũng cần loại “giấy thông hành sức khỏe” này nếu muốn tham dự lễ hội hoặc đến rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, các nhân viên y tế buộc phải tiêm chủng trước ngày 15-9 nếu không sẽ không được đi làm và không được trả lương. Theo thống kê, khoảng 40% dân số Pháp đã được tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ nhưng tiến độ tiêm chủng đã chậm lại trong những tuần gần đây.
Cảnh báo của WHO về tiêm kết hợp vắc-xin
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hôm 12-7 khuyến cáo không nên tiêm trộn và kết hợp vắc-xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau khi gọi đây là “xu hướng nguy hiểm” vì có rất ít dữ liệu về tác động của phương pháp này đối với sức khỏe người được tiêm. Theo bà Swaminathan, các nghiên cứu về phương pháp trên đang được tiến hành và cần phải chờ đợi thêm. “Chúng tôi hiện mới có dữ liệu về vắc-xin của AstraZeneca và Pfizer. Tình hình hỗn loạn sẽ xảy ra tại các nước nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ được tiêm liều vắc-xin thứ hai, thứ ba và thứ tư” – chuyên gia này nhận định.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số nghiên cứu cho thấy kết quả hứa hẹn từ sự kết hợp của các loại vắc-xin khác nhau. Viện Gamaleya của Nga là nhà phát triển vắc-xin đầu tiên thăm dò phương pháp này khi đề nghị tiêm kết hợp vắc-xin Sputnik V cùng với vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh – Thụy Điển) trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng vào năm ngoái. Sau đó, theo đài RT, một số nghiên cứu về kết hợp các loại vắc-xin khác nhau góp phần củng cố quan điểm ủng hộ hướng đi này. Một số quốc gia, trong đó có Anh, Canada, Ý… đã cho phép người dân tiêm vắc-xin từ nhiều nhà sản xuất.
Tại Mỹ, đại diện Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh hôm 12-7 tái khẳng định những người đã tiêm phòng đầy đủ không cần tiêm liều bổ sung. Theo Reuters, các quan chức bộ này và hãng Pfizer sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề liệu có cần tiêm liều bổ sung hay không và nếu có thì tiêm khi nào. Một số chuyên gia cho rằng có thể cần đến mũi tiêm nhắc lại nếu có sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện hoặc tử vong ở những người đã được tiêm chủng.
Cùng ngày, WHO kêu gọi các nước giàu không nên đặt mua thêm vắc-xin để tiêm bổ sung trong lúc nhiều nước vẫn chưa có vắc-xin. Bà Swaminathan cũng nhấn mạnh hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm phòng đầy đủ.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.