Diễn biến cuộc khủng hoảng con tin Algeria

Ảnh: BBC
Diễn biễn khủng hoảng con tin ở Algeria:
1. Xe buýt chở nhân công Algeria và nước ngoài bị tấn công trên đường đi sân bay.
2. Họ trở thành các con tin, bị giam giữ tại khu nhà ở và nhà máy.
3,4,5. Quân đội Algeria bao vây và tấn công phiến quân tại nhà máy In Amenas, ở sa mạc Sahara, miền đông Algeria.
Đồ họa: BBC

Sáng sớm 16/1, một nhóm phiến quân Hồi giáo đã tấn công hai chiếc xe buýt chở nhân viên nhà máy khí đốt đang trên đường đi ra sân bay In Amenas. Chiếc xe cảnh sát hộ tống xe buýt chống trả. Một người Anh và một người Algeria chết ngay trong cuộc đụng độ. Những kẻ bắt cóc sau đó lái ít nhất ba xe tới Tigantourine, miền đông Algeria, đưa các công nhân bản địa cũng như ngoại quốc tới khu vực nhà ở và cơ sở chính của nhà máy khí đốt In Amenas.

Những tên phiến quân này được trang bị súng phóng lựu đạn và nói với các con tin rằng chúng đã đặt mìn quanh nhà máy, theo lời một nhân chứng. Theo những thông tin ban đầu, động cơ của hành động bắt cóc con tin là nhằm buộc Pháp ngừng can thiệp quân sự tại nước láng giềng của Algeria, Mali.

Trong ngày, lực lượng an ninh và quân đội Algeria được triển khai để bao vây những kẻ bắt cóc. Theo số liệu những tên phiến quân đưa ra, có khoảng 41 con tin nước ngoài đến từ ít nhất 10 quốc tịch khác nhau như Mỹ, Anh, Na Uy, Nhật Bản, Pháp, Philippines… Các lãnh đạo phương tây đã kêu gọi Algeria phải tham vấn với họ trước khi hành động và yêu cầu Algeria đặt sự an toàn của con tin lên hàng đầu.

Theo lời kể của những con tin đã thoát, do số lượng con tin đông hơn nhiều số phiến quân, chúng chỉ nhăm nhăm tìm và giữ các con tin người nước ngoài. Lý do có thể là con tin ngoại sẽ là món “trao đổi” và gây sức ép với chính phủ Algeria cũng như các quốc gia khác.

2h chiều ngày 17/1, lực lượng Algeria bất ngờ đột kích từ trên không và trên mặt đất, trong khi phiến quân di chuyển các con tin ra khỏi nhà máy. Chính phủ Algeria cho biết đã giải thoát một lượng lớn con tin, nhưng một số đã thiệt mạng. Hiện chưa có tuyên bố chính thức về số lượng con tin thiệt mạng hay được cứu thoát. Theo phiến quân Hồi giáo, có 35 con tin chết trong vụ tấn công này, trong khi hãng thông tấn Algeria cho hay có 4 người chết, bao gồm hai người Anh và hai người Philippines.

Một con tin người Bắc Ireland trốn thoát trong vụ đột kích của quân đội cho hay khi đoàn xe chở con tin di chuyển thì gặp cuộc đột kích từ trên không của quân đội Algeria. 4 chiếc xe chở đầy con tin đã phát nổ, trong khi xe của anh bị va chạm, nhờ đó anh có cơ hội thoát thân.

Hành động giải thoát con tin bằng vũ lực đã chịu sự chỉ trích từ nhiều nước có con tin như Pháp, Anh, Mỹ, khi số phận của ít nhất 60 con tin nước ngoài, tính đến chiều qua, vẫn chưa được xác định. Một số nước đã bắt đầu xác nhận số con tin tử vong và đã được giải thoát trong cuộc khủng hoảng này tại Algeria.

Ngày 18/1, những tên phiến quân được cho là đã ra yêu sách đòi Mỹ thả hai tù nhân khủng bố để đổi lấy sinh mạng của các con tin nước này, tuy nhiên, Washington cho biết sẽ “không đàm phán với những kẻ khủng bố”. Mỹ cũng đã triển khai một máy bay vận tải C-17 tới sơ tán những con tin đã thoát về một căn cứ để chăm sóc y tế. Chi tiết về việc xử lý tình hình vẫn chưa rõ ràng, khi quân đội Algeria vẫn tiếp tục truy đuổi phiến quân suốt hơn 36 giờ đồng hồ qua.

Video: Khủng hoảng con tin

BBC dẫn lời cảnh sát Algeria cho hay tên phiến quân Mokhtar Belmokhtar là người đứng đằng sau cuộc bắt cóc con tin gây chấn động thế giới này. Từng là cựu binh trong cuộc chiến chống lực lượng Xô viết tại Afghanistan những năm 1980, tên này mới đây có mâu thuẫn với các lãnh đạo của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM), có trụ sở tại Algeria. Hiện y dẫn đầu một nhóm riêng, được biết đến với cái tên Lữ đoàn Bịt mặt và Lữ đoàn Khaled Abul Abbas. Tên này cũng từng bị cáo buộc bắt cóc người Algeria và người nước ngoài trong trong các vụ lẻ tẻ suốt một thập kỷ. Hiện vẫn chưa rõ y có thực sự tham gia và cuộc tấn công nhà máy khí đốt hay không.

Tổ hợp In Amenas là một liên doanh giữa tập đoàn Staoil của Nauy, BP của Anh và công ty quốc doanh Sonatrach của Algeria. Một công ty của Nhật tên là JGC là đối tác cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho liên doanh này. Đó là lý do vì sao có rất nhiều người nước ngoài làm việc ở In Amnenas khi cuộc khủng hoảng con tin xảy ra. Tổ hợ nằm ở Tigantourine, một địa điểm sâu trong nội địa, cách thủ đô Algiers 1.300 km về phía nam và rất gần với biên giới với Libya về phía đông. Tổ hợp này cung cấp 9 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, chiếm hơn 1/10 tổng sản lượng khí đốt của Algeria.