Nông nghiệp thời khủng hoảng lương thực

     Trước những diễn biến phức tạp của giá lương thực toàn cầu thời gian qua, phát triển nông nghiệp đã trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều quốc gia.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam hôm 31.5 dự đoán giá lương thực sẽ tăng 120-180% từ đây đến năm 2030. Con số này phù hợp với báo cáo trước đó của Ngân hàng Thế giới: quý 1/2011, giá nông sản tăng trung bình 36%, trong đó tăng cao nhất là bắp (74%), lúa mì (69%), đậu nành (36%)…

Trong khi đó, theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), hằng năm có 1,3 tỉ tấn, tương đương 1/3 tổng sản lượng lương thực toàn cầu, bị lãng phí. Trung bình mỗi người dân khu vực châu Âu và Bắc Mỹ phung phí 95 -115kg lương thực/năm, chủ yếu do hệ thống phân phối, sử dụng không hiệu quả. Tại các nước đang phát triển thì lương thực bị lãng phí do kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản còn kém.

Những con số của FAO rất đáng lo ngại trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới liên tục tăng cao những tháng vừa qua. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hàng loạt nguyên nhân

Có nhiều yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng, giảm của giá lương thực toàn cầu. Theo tờ Foreign Policy, tuy tỷ lệ tăng dân số đã giảm từ 2% vào năm 1970 còn 1,2% trong năm 2010 nhưng nhân loại vẫn nhiều khả năng đạt đến ngưỡng 7 tỉ người vào tháng 9.2011. Mức tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới tăng từ 21 triệu tấn/năm trong giai đoạn 1990-2005 lên 41 triệu tấn/năm hiện nay. Đây là một thử thách đáng kể đối với nhà nông và nguồn dự trữ đất đai, nước ngọt.

Nhiên liệu sinh học cũng làm tăng áp lực cho nhu cầu nông sản. Được xem là nguồn năng lượng sạch thay thế các nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu và than đá nhưng các loại dầu sinh học lại “ngốn” một lượng nông sản khá lớn trong quá trình sản xuất. Năm 2009, 119 triệu/416 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch được tại Mỹ dùng để chiết xuất ethanol. Lượng ngũ cốc này đủ nuôi 350 triệu người trong vòng 1 năm.

Trong lúc cầu tăng cao thì cung lại gặp nhiều cản trở. Tình trạng xói mòn và thoái hóa đất đai đang ở mức báo động. Các chuyên gia ước tính 1/3 diện tích đất trồng trọt trên thế giới đang bị mất lớp đất màu mỡ nhanh hơn quá trình tái tạo của tự nhiên. Ngoài ra, việc khai thác cạn kiệt các mạch nước ngầm cũng gây khó khăn cho công tác thủy lợi. Tại miền bắc Trung Quốc, khoảng 24.000 ngôi làng bị giảm dân số hoặc bỏ hoang hoàn toàn do những hoạt động chăn thả quá mức đã hủy hoại đất đai và làm cát xâm hại các khu vực trồng trọt.

Việc gia tăng sản lượng nông nghiệp nhờ khoa học kỹ thuật cũng đang có dấu hiệu chững lại ở nhiều nước trong 10 năm trở lại đây. Nhật Bản, nước được xem là tiên phong về khả năng tăng sản lượng, phải nhìn năng suất lúa hầu như không nhúc nhích từ 14 năm qua. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang dần tiến đến tình trạng tương tự. Riêng 3 quốc gia này đã chiếm 1/3 vựa lúa của thế giới. Tình hình cũng không khả quan hơn đối với lúa mì khi những nước sản xuất hàng đầu như Pháp, Đức, Anh đều không tăng năng suất trong nhiều năm qua.


Sản lượng lúa mì ở Pháp không tăng trong nhiều năm qua - Ảnh: Reuters
 

Châu Âu tìm lối ra

EU hiện có chính sách trợ giá Mục tiêu phát triển nông nghiệp chung (PAC) được áp dụng đã nhiều thập niên. PAC nhằm “đảm bảo mức cung ứng” và “cho phép người tiêu dùng được mua nông sản ở mức giá phải chăng”. Theo tờ Die Zeit của Đức, hằng năm, các nước dành trung bình khoảng 100 tỉ euro cho nông nghiệp, trong đó có 60 tỉ nhận trực tiếp từ EU. Mỗi nông dân EU nhận trợ cấp 340 euro/ha đất mỗi năm, cộng thêm phần hỗ trợ riêng của từng nước. Với một số người, mức trợ giá có thể chiếm đến hơn một nửa doanh thu từ nông sản.

Nhiều chuyên gia kinh tế đang đề nghị xem xét lại PAC. Chính sách này hầu như không thay đổi từ khi bắt đầu nên bị đánh giá là có nhiều điểm không phù hợp với đà phát triển nông nghiệp, tốn kém mà hiệu quả không cao. Một trong những giải pháp là giảm trợ giá nhưng tăng lợi tức cho nông dân. Hiện nay, trong 1 euro do người tiêu dùng Đức bỏ ra để mua nông sản, chỉ có 21% chuyển sang ví tiền của nông dân. Phần còn lại thuộc về các “đại gia” ngành thực phẩm như Danone, Nestlé hay các hệ thống phân phối (siêu thị, nhà hàng…). Ủy ban châu Âu vừa thành lập một nhóm chuyên gia nhằm nghiên cứu tăng cường vị trí và tầm ảnh hưởng của nhà nông, đồng thời xem xét tăng cường quyền lợi cho những nông dân canh tác theo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Gánh nặng của EU từ thành viên mới

Việc nhiều nước gia nhập EU trong 7 năm qua khiến chính sách trợ giá PAC trở thành một khoản chi tiêu đáng kể. Những ai sở hữu từ 1 ha đất trở lên có thể xem là “nông dân” và được xét hỗ trợ.

Theo tuần báo Polityka, từ khi gia nhập EU năm 2004, 1,5 triệu nông dân Ba Lan đã nhận trợ cấp từ EU. Tuy nhiên, chỉ 1/3 trong số đó thực sự cung cấp nông sản cho thị trường. Đối với 2/3 còn lại, khoản tiền này giúp họ tăng thu nhập nhưng hoàn toàn không giúp phát triển ngành nông nghiệp.