Vận tải hành khách ở miền Tây có gì mới?
Trừ Vĩnh Long, vận tải hành khách liên tỉnh ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL vẫn chưa thể hoạt động trở lại do còn “vướng” một số quy định, thủ tục.
Theo công văn hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long, tài xế và nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Riêng hành khách đi từ địa phương, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến Vĩnh Long phải tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Hành khách đi từ địa phương, khu vực nguy cơ và bình thường mới phải tuân thủ “5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Hành khách và người tham gia vận chuyển phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên xe.
Long An: Từ ngày 13-10, Sở Giao thông Vận tải cho phép các loại hình vận tải hành khách nội tỉnh hoạt động trở lại.
Sở GTVT tỉnh Long An đang chờ phản hồi từ các tỉnh để cho hoạt động trở lại vận tải hành khách liên tỉnh
“Đến ngày 18-10, 6 đơn vị vận tải hành khách nội tỉnh hoạt động trở lại, với 27 chuyến. Tuy nhiên, mới có 35 hành khách đi. Lý do là vì tâm lý nhiều người còn ngại dịch bệnh nên chưa lựa chọn phương tiện hành khách công cộng” – ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, thông tin.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, TP cho ý kiến về việc thí điểm tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh từ Long An đến các địa phương. Tuy nhiên, đến nay Long An vẫn chưa nhận được phản hồi từ các tỉnh, TP.
Từ 0 giờ ngày 18-10, các trạm kiểm soát dịch Covid-19 trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Long An do UBND tỉnh thành lập và các trạm giáp ranh với các địa phương do UBND huyện thành lập đã dừng hoạt động.
TP Cần Thơ: Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, cho biết một số tỉnh khác vẫn còn quy định người dân tỉnh khác đi vào địa phương phải cách ly.
“Vận tải hành khách sẽ có sự qua lại giữa các địa phương nhưng đang “vướng” vào quy định của Bộ Y tế. Sở đang lấy ý kiến các địa phương mà mình sẽ nối tuyến đi qua, nếu họ thống nhất thì nối tuyến lại” – ông Kha thông tin.
Trà Vinh: Từ ngày 10-10, tỉnh đã cho hoạt động trở lại vận tải hành khách nội tỉnh. Sở Giao thông Vận tải đã có tờ trình gửi UBND tỉnh để xin chủ trương thí điểm hoạt động một số tuyến liên tỉnh đến TP HCM, TP Cần Thơ, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh.
Cà Mau: Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết địa phương chưa tổ chức thí điểm hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải rà soát các quy định rồi tham mưu về UBND tỉnh để thực hiện theo các quyết định của Bộ Giao thông Vận tải.
Tiền Giang: Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, Tiền Giang phân cấp độ dịch là cấp 2 nên tất cả hoạt động vận tải bình thường trong nội tỉnh. Kế hoạch hoạt động liên tỉnh phải có sự thống nhất của nơi đến thì mới sẵn sàng cho hoạt động.
An Giang: Ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vân tải tỉnh, cho biết đang chờ UBND tỉnh này công bố cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Do đó, tùy vào tình hình cụ thể, sở sẽ áp dụng theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải trong việc ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
“Trong ngày mai (19-10), các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có cuộc họp về liên kết vùng đề bàn các giải pháp liên quan vấn đề này. Hiện tại, chúng tôi vẫn chờ quyết định của UBND tỉnh về công bố cấp độ dịch rồi áp dụng theo đúng hướng dẫn mới của Bộ Giao thông Vân tải chứ không thể nào khác hơn”- ông Tân thông tin.
Bạc Liêu: Chưa thực hiện việc thí điểm tổ chức vận tải khách đường bộ liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, tuyến vận tải hành khách nội tỉnh đã được phép hoạt động.
Xe khách liên tỉnh vẫn nằm im trong khu vực bến xe Bạc Liêu
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải Bạc Liêu, các đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, chủ phương tiện phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 theo quy định. Bố trí nhân viên hoặc bộ phận y tế để phối hợp y tế địa phương xử lý khi có trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại nơi làm việc…
Kiên Giang: Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết đã có một vài doanh nghiệp đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh nhưng chưa thể xem xét. Nguyên nhân là do phải chờ UBND tỉnh công bố cấp độ dịch ở địa phương để có phương án vận tải phù hợp.
“Chúng tôi đang trong tư thế sẵn sàng để triển khai thực hiện vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đến TP HCM và các địa phương khác trong vùng khi UBND tỉnh công bố cấp độ dịch và Sở Giao thông Vận tải các địa phương thỏa thuận xong về phương thức vận tải để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch”- ông Bắc thông tin.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.