Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm an sinh xã hội phải dựa trên ba trụ cột
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội phải dựa trên 3 trụ cột, 3 thành tố chính: Giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công; phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, năng suất cao, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chi trả BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT; chất lượng khám chữa bệnh BHYT; thanh toán khám chữa bệnh BHYT…
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhận định, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là những chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. Đây là một chính sách rất ưu việt của nhà nước ta đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Phát biểu thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội phải dựa trên 3 trụ cột, 3 thành tố chính: Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro thông qua BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Thứ hai, khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công. Thứ ba, phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, năng suất cao, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng nêu rõ, 3 trụ cột, thành tố này rất đồng bộ. Vì vậy, cần phải tổng kết thực tiễn, chỉ ra những vấn đề được và chưa được để điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.
“Qua ý kiến các đại biểu, tôi thấy giữa chính sách và thực tiễn còn vênh nhau. Bây giờ phải giải quyết việc này”, Thủ thướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề và nhấn mạnh: Chúng ta không thể làm tất cả mọi việc trong một lúc, quan trọng nhất là phát hiện ra vấn đề, căn cứ tình hình, nguồn lực để có lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi, giải quyết các vấn đề trước – sau, trước mắt và lâu dài một cách phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, đưa vào quy định, luật hóa; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Cũng theo Thủ tướng, tình hình khó khăn vừa qua trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ nhiều bất cập mà trong bối cảnh bình thường, thuận lợi không phát hiện ra được. Ví dụ, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, chúng ta đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, việc này không đặt ra, không làm được trong bối cảnh bình thường.
Một ví dụ khác được Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích là việc đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở. Đợt dịch vừa qua càng chứng minh vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, “tuyến dưới nhưng lại là tuyến đầu”. Tuy nhiên, thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn cho thấy, các trạm y tế chủ yếu chỉ làm y tế dự phòng, không chú trọng công tác điều trị, người dân khi mắc bệnh cơ bản đều tới ngay bệnh viện mà không tới trạm y tế.
Mặt khác, hệ thống y tế ở điều kiện bình thường có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, nếu không có giải pháp kịp thời, phù hợp tại y tế tuyến cơ sở thì các tuyến trên nhanh chóng quá tải, dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.
Do đó, vừa qua, chỉ trong thời gian rất ngắn, chúng ta đã triển khai hơn 500 trạm y tế lưu động tại 312 xã, phường của TP Hồ Chí Minh, để người bệnh được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở, từ đó giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Việc này khó có thể triển khai nhanh như vậy trong điều kiện bình thường.
Nhấn mạnh vai trò của y tế cơ sở, Thủ tướng nêu rõ, đây là tuyến gần dân nhất, sát dân nhất, tiếp cận dân nhanh nhất, nếu không củng cố y tế cơ sở thì ngay cả về tâm lý, người dân cũng muốn lên tuyến trên. Những hạn chế được bộc lộ đã giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn tình hình; trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phải thống nhất chủ trương, nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, có đề án, dự án để thực hiện một cách căn cơ, nâng cao năng lực y tế cơ sở đủ mạnh.
Cụ thể hơn, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực, đồng thời đầu tư thoả đáng cho cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế cơ sở. Không chỉ ở các thành phố, ngay cả ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…, trạm y tế cũng là nơi gần dân nhất, nhưng do điều kiện còn hạn chế nên nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng đều thiếu. “Anh nào ra trường cũng muốn làm việc ở tuyến trên, vì có những lợi ích tinh thần, vật chất nhất định, hấp dẫn hơn”, Thủ tướng nói.
Một vấn đề khác được người đứng đầu Chính phủ lưu ý là nghiên cứu phân cấp quản lý cho thật phù hợp. Ông cho rằng, đang có tình trạng lẫn lộn giữa quản lý về chuyên môn và quản lý về cơ sở vật chất, con người… Về chuyên môn phải quản lý thông suốt, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, tới tận trạm y tế, nhưng về hành chính, con người, cơ sở vật chất… thì phải phân cấp.
Trong khi đó, Sở Y tế hiện quản lý đến tận trạm y tế xã cả về cơ sở vật chất, về con người nhưng lại không biết được, không xuống được tận nơi. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “biết đến đâu quản đến đấy, còn không biết mà quản là không khoa học”. Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với việc bố trí nguồn lực và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu ứng dụng công nghệ trong bối cảnh vừa qua, nhất là trong việc chi trả hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho số lượng người rất lớn trong thời gian rất ngắn; việc quản lý tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. “Những việc này khi bình thường chưa cấp bách nên đầu tư có hạn, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát cũng có mức độ”, Thủ tướng nói.
Phải suy nghĩ và có giải pháp rất hệ thống, từ vấn đề pháp lý, đường lối, chủ trương, thống nhất nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khoa học, hợp lý, hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực có hạn, thu hút nguồn nhân lực… để giải quyết các vấn đề đặt ra, Thủ tướng phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội, chiều 22/10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH và Luật Việc làm. Nếu sửa sớm được Luật BHXH, chúng ta sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần.
Về BHYT, Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số việc đã đặt ra từ lâu nhưng cần thúc đẩy mạnh hơn, đó là việc xây dựng, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản; vấn đề về thanh, quyết toán BHYT, đây là vấn đề mà giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và ngành y tế cũng hay vướng mắc.
Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Ủy ban các vấn đề xã hội về việc đưa vào Nghị quyết Kỳ họp lần này hoặc Nghị quyết về kinh tế – xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng BHYT cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, BHYT đã giúp cho tất cả người dân, đặc biệt người nghèo, người khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám, chữa bệnh. Đối với BHYT, chúng ta đi sau nhưng về trước, nước ta khởi động BHYT chậm hơn nhiều nước nhưng tăng rất nhanh độ bao phủ BHYT, hết năm 2020 đã đạt đến 90,85%.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, thời gian tới, ngành y tế sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách về chính sách BHYT theo hướng duy trì và từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHYT; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; đổi mới phương thức xây dựng dự toán thu, chi khám chữa bệnh BHYT; duy trì và quản lý hiệu quả hơn quỹ BHYT;…
Nguồn: Chinhphu.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.