Chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm
Trước tình trạng dịch cúm gia cầm vẫn đang tiếp tục có nguy cơ lây lan, đặc biệt, khi hiện nay, TP.Hồ Chí Minh phát hiện vẫn còn 54 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn, UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Tiêm vắcxin cho đàn gà (Ảnh:Thế Duyệt/TTXVN) |
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 11 tháng 8 năm 2013, tại Trung Quốc có 134 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, trong đó có 45 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngày 23 tháng 8 năm 2013, Trung Quốc đã phát hiện vi rút cúm gia cầm mới H7N7 tại 2 tỉnh Ôn Châu và Chiết Giang, có khả năng lây lan từ gia cầm sang người. Tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới và gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc và ngày càng tinh vi hơn, khả năng tiềm ẩn và nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm là rất lớn, nhất là tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tại Campuchia đã xuất hiện 16 ca nhiễm bệnh cúm A (H5N1) trên người, trong đó có 11 trường hợp đã tử vong. Các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số tỉnh của Campuchia có đường biên giới giáp với Việt Nam.
Nhằm chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn Thành phố, đồng thời thực hiện Công điện số 12/CĐ-BNN-TY ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương trên địa bàn cần chủ động tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về những nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm (H5N1, H7N9, H7N7) có khả năng lây sang người và gia cầm, nhằm nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng; không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được sự kiểm dịch của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm trái phép trên địa bàn, nhất là các tuyến đường nhỏ thông với các trục đường chính ra vào Thành phố, các điểm kinh doanh trái phép, các khu vực giáp ranh với các tỉnh, nhằm ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là các sản phẩm nhập lậu có nguồn gốc từ biên giới.
Ban Quản lý các chợ trên địa bàn chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp với các đơn vị như: Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường trong công tác chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào Thành phố thông qua các trạm đầu mối kiểm dịch động vật, nhất là nguồn từ các tỉnh có đường biên giới, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sản phẩm gia cầm không đảm bảo nguồn gốc từ biên giới vào thành phố tiêu thụ.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.