Người đàn ông sở hữu hơn 11 bộ sưu tập đồ xưa độc đáo ở Tây Đô
Với tâm huyết lưu giữ những nét văn hóa vùng đất Tây Đô qua các thời kỳ, hơn 15 năm qua, ông Nguyễn An Hà (44 tuổi), đã cất công sưu tầm và sở hữu hàng ngàn món đồ xưa – đồ cổ trưng bày trong căn nhà đặc biệt, giống như một bảo tàng tư nhân.
Căn nhà đặc biệt của ông Nguyễn An Hà có tên “Bảo tàng Cầm Thi”, tọa lạc tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngay từ cổng dẫn vào trong khu trưng bày, với hàng rào họa tiết xưa đã cho thấy sự kỳ công sưu tầm của chủ nhân.
Được biết, sau gần 15 năm sưu tầm, ông Hà đã nảy sinh ý tưởng để phân loại đồ xưa, cũ và chia thành 11 chủ đề chính để trưng bày như Cổng nhà xưa miền Tây, boong ke quân sự, nhà cổ Nam Bộ, lối bày trí kiến trúc theo mô típ Nam Bộ, xe giao thông Nam Bộ xưa, gần 200 áo dài Nam Bộ xưa, báo chí qua các thời kỳ…
Căn nhà đặc biệt của ông Nguyễn An Hà có tên “Bảo tàng Cầm Thi”, tọa lạc tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn An Hà chia sẻ, với suy nghĩ đơn giản “tìm để lưu giữ lại, tích cóp dần dần, tạo nên “bảo tàng” của riêng mình”, ông đã mất hàng chục năm liền để xây dựng và lắp ghép nhiều công trình khác ở Cần Thơ. Gạch lót nền có nguồn gốc từ trường Châu Văn Liêm, ngôi trường trăm năm tuổi nổi tiếng ở Cần Thơ. Những mảng gạch ốp tường và hàng rào bao quanh căn nhà thì từ công viên Lưu Hữu Phước, loại gạch cũ trước khi công viên này được xây mới. Ngay cả cặp ghế đá, bàn ghế trong các phòng trưng bày cũng có lai lịch không hề đơn giản.
“Ghế đá là của một người nổi tiếng ở Cần Thơ đó là ông Cả Đài, hai ghế đá được cháu nội ông tặng lại cho tôi. Rồi hoành phi câu đối, bàn, ghế, những vật dụng của hầu hết tất cả các ngôi nhà cổ ở Cần Thơ. Để có những hiện vật như vậy, tôi sưu tầm và lắp ghép lại thành tổng thể theo phong cách xưa”.
Bộ sưu tập báo xưa và báo xuân qua các thời kì lên đến hàng trăm trang, được vẽ tay rất công phu.
Tham quan từng bộ sưu tập được ông Nguyễn An Hà kỳ công sắp xếp theo từng chủ đề, điểm gây ấn tượng với nhiều người có lẽ mỗi chủ đề đều có câu chuyện riêng. Điển hình dàn xe xưa được sử dụng từ trước năm 1975, như các chiếc xe kéo tay, xe lôi đạp, xích lô máy, xe lôi máy, xe lam 3 bánh… trong đó có chiếc xe Honda 67 được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chạy và chiếc xe của Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Bộ sưu tập hơn 200 áo dài xưa, mỗi áo gắn với kỷ niệm từng căn nhà ở vùng đất Tây Đô. Đặc biệt, bộ sưu tập báo chí qua các thời kỳ, tiêu biểu là An Hà Báo và bộ báo xuân 1949 – 1954… Qua từng bộ sưu tập giúp người lớn tuổi hoài niệm về thuở trước, đồng thời khắc họa hình ảnh Cần Thơ xưa, giá trị văn hóa xưa trong lòng người trẻ.
Anh Nguyễn Công Dương (35 tuổi), ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cùng gia đình tham quan nhà trưng bày hiện vật bày tỏ: “Tôi ấn tượng nhất là những bộ sưu tập về báo chí xưa tranh bìa vẽ tay rất là ấn tượng. Tôi cho rằng đây là sự kỳ công của ông suốt hàng chục năm qua, rất giá trị. Đây là cơ hội giúp tôi học hỏi nhiều kiến thức về văn hóa, về lịch sử của vùng đất con người Cần Thơ cũng như Nam bộ”.
Bộ sưu tập gần 200 áo dài xưa của ông Nguyễn An Hà.
Mỗi điểm trưng bày đều mang trong mình một “linh hồn” riêng với những giá trị của các cổ vật, hiện vật, tài liệu được lưu giữ và sưu tầm. Theo ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, căn nhà đặc biệt của ông Nguyễn An Hà đã khắc họa rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ, nhất là Cần Thơ xưa. Ngoài các phương tiện giao thông dân dụng thập niên 50 – 60 thế kỷ trước, bộ sưu tập xe quân sự thời chiến “khó tìm” tại Việt Nam cũng là điểm thu hút thú vị. Chủ nhân còn sáng tạo, cải tạo thành những phòng nghỉ mang đậm phong cách nhà binh bên trong chiếc xe quân sự, nội thất đều là những hiện vật thời chiến tranh, càng làm nhiều người muốn khám phá, tìm hiểu lịch sử hơn.
Ông Nhâm Hùng nói: “Tôi đánh giá cao tinh thần, niềm đam mê của chủ nhân. Những bộ sưu tập này giúp cho thế hệ đời sau biết được xã hội cách đây trăm năm đi xe gì, đọc báo gì, mặc áo quần ra sao?… Thì bộ sưu tập vừa thú vị, vừa có giá trị giáo dục truyền thống rất cao”.
Không chỉ sưu tầm, những hiện vật bị hư hại hoặc thiếu mất các bộ phận như xe xưa, xe quân sự… ông Hà đều tìm thợ về “bắt bệnh”, tìm kiếm phụ tùng thay thế và sửa chữa. Bởi thế, hầu như các hiện vật đều được trở về với nguyên trạng, vẫn còn sử dụng tốt, được lưu giữ vô cùng kỹ lưỡng. Hiện, ông Nguyễn An Hà đang hoàn tất thủ tục để căn nhà đặc biệt của mình được công nhận là Bảo tàng tư nhân; đồng thời, ông còn đưa “Bảo tàng Cầm Thi” vào nhóm hoạt động du lịch liên kết, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.