Tập trung dập dịch tại ĐBSCL
Tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới trong cộng đồng liên tục tăng cao; các ổ dịch tại nhà máy chế biến thủy sản, khu phong tỏa, khu cách ly… chưa thể kiểm soát triệt để.
Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh Vĩnh Long
Số ca mắc mới tăng cao
Chiều 4-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, 24 giờ qua, trên địa bàn ghi nhận 250 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh đến nay lên 4.480 ca. Trong đó, riêng hai tuần gần đây, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.480 ca. Bạc Liêu đang là “điểm nóng” về Covid-19 ở ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều quyết định công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh ở cấp 4 (nguy cơ rất cao). Tỉnh cũng đã bổ sung, tăng thêm 2.980 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó “điểm nóng” là thị xã Giá Rai được bổ sung 2.500 giường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy yêu cầu Sở Y tế chịu trách nhiệm phân phối oxy, găng tay, khẩu trang được tiếp nhận đến các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Tại Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhìn nhận, tình hình dịch Covid-19 những ngày gần đây diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc cộng đồng ngày càng nhiều, tốc độ lây lan nhanh; đặc biệt dịch lan vào một số phân xưởng của các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản; qua các đám tiệc tập trung đông người… khiến việc khoanh vùng, truy vết, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng gặp khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo tập trung nhân lực, hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc thật nhanh đối với các địa phương, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi có xảy ra ổ dịch; đồng thời đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ về nhân lực y tế…
Tại An Giang, số ca mắc mới Covid-19 liên tục tăng, có ngày ghi nhận gần 400 ca mắc, nâng tổng cộng toàn tỉnh lên hơn 12.203 trường hợp mắc Covid-19. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang nhận định, số ca mắc mới tăng là do lượng lao động trở về quê rất đông (khoảng 67.000 người), tỷ lệ F0 phát hiện qua tầm soát trong số này là 1,17%. Cùng đó là số ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa chiếm tỷ lệ cao.
Tại Kiên Giang, tình hình cũng phức tạp khi toàn tỉnh có hơn 11.214 ca mắc Covid-19. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang thì nguyên nhân khiến ca mắc mới tăng khi toàn tỉnh đón tổng cộng gần 70.000 người dân trở về quê tránh dịch; cộng với số ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa cao.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương tổ chức truy vết, cách ly và điều trị. Khi cần phong tỏa thì tổ chức phong tỏa trong phạm vi hẹp nhất, tùy theo tình hình phát hiện F0 là ca mắc lẻ, chùm ca bệnh.
Kích hoạt các bệnh viện dã chiến
Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho hay, trước tình hình số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng, tỉnh mở thêm một số khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Các bệnh nhân chuyển nặng sẽ được chuyển về điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh).
Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh đang kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến số 5 ở TP Vĩnh Long quy mô 1.000 giường. Công tác cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đến thời điểm này cơ bản được đảm bảo, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, với quy mô 3 tầng điều trị.
Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, với việc thành lập 3 bệnh viện dã chiến, cộng với sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhiệt đới, công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được đảm bảo.
BS CKII Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh từ các nơi chuyển lên. Hiện bệnh viện có 25 ca bệnh nặng (tầng 3). Với năng lực tiếp nhận điều trị 30 ca bệnh ở tầng 3, theo đó công tác điều trị ở thời điểm hiện tại vẫn đảm bảo yêu cầu”.
Giải pháp cấp bách của Kiên Giang là tập trung giảm tải cho các khu cách ly, khu phong tỏa, ưu tiên dành số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng. Tỉnh cũng cho phép bệnh nhân F0 không có triệu chứng và F1 nếu đủ điều kiện có thể được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
TS-BS Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho hay, tỉnh tập trung tăng cường năng lực chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở, các tổ Covid-19 cộng đồng, xe điều trị, xét nghiệm lưu động… để giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
|
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.