Phó Thủ tướng, Bí thư Hà Nội đi tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông khai thác thương mại
TP Hà Nội sáng nay 6-11 đã nhận bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để chính thức vận hành thương mại. Đại diện lãnh đạo Chính phủ, TP Hà Nội, các bộ ngành và người dân Thủ đô đã đến trải nghiệm đi tàu miễn phí.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký kết văn bản bàn giao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông để đưa vào vận hành thương mại – Ảnh: Ngô Nhung
Thay mặt chủ đầu tư phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương và nhân dân Thủ đô đã hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của thủ đô được đưa vào khai thác, là tuyến đường sắt khối lượng lớn, vận chuyển đúng giờ, sẽ giải quyết ùn tắc phía Tây của Hà Nội. Sau quá trình xây dựng, Bộ GTVT đã kiểm tra, nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn chất lượng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào khai thác thương mại.
“Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục chỉ đạo Tổng thầu phối hợp với đơn vị vận hành là Metro Hà Nội trong giai đoạn đầu khai thác, bảo hành, bảo trì công trình theo quy định”- ông Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu – Ảnh: Ngô Nhung
Đại diện cơ quan tiếp nhận, ông Dương Đức Tuấn – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – cho biết hôm nay chúng ta vui mừng có mặt tại đây để tổ chức lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước và đưa vào vận hành khai thác.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 có 10 tuyến đường sắt đô thị kết nối các khu vực vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc nội đô.
Ông Dương Đức Tuấn – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – phát biểu
Ông Tuấn cũng cho rằng với tốc độ như hiện nay thì cần 8-10 năm mới xây dựng xong một tuyến đường sắt, do vậy thành phố sẽ có giải pháp đột phá để thực hiện. “Chúng ta đi qua chặng đường dài, nhiều khó khăn, rút ra nhiều bài học để chuẩn bị các công trình tiếp theo”- ông Tuấn nói và đề nghị Metro Hà Nội tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, vận hành khai thác đảm bảo an toàn. Sở GTVT Hà Nội được giao tổ chức giao thông kết nối an toàn, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các nhà ga.
Ngay sau đó, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã tiến hành ký kết văn bản bàn giao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. “Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, tôi xin tuyên bố tiếp nhận dự án đầu tư, đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác và vận hành giai đoạn đầu từ hôm nay”- ông Dương Đức Tuấn tuyên bố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đi trên chuyến tàu đầu tiên ngay sau lễ bàn giao – Ảnh: Ngô Nhung
Bắt đầu từ 9 giờ ngày 6-11, các nhà ga của đường sắt Cát Linh – Hà Đông mở cửa. Người dân có thể vào ga và trải nghiệm đi tàu miễn phí trong 15 ngày.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành), cho biết trong 15 ngày đầu, hành khách được miễn phí vé và được phát sổ tay hướng dẫn đi tàu. Nhân viên nhà ga sẽ phát thẻ 0 đồng cho khách và thu lại vào cuối ngày để kiểm đếm số lượng.
Đại diện nhiều lãnh đạo bộ ngành, các cơ quan truyền thông và người dân Thủ đô trải nghiệm chuyến tàu đầu tiên khi chính thức đưa vào vận hành thương mại – Ảnh: Ngô Nhung
Sau thời gian này, giá vé lượt dự kiến là 8.000 đồng với chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến. Ngoài ra, còn có vé ngày 30.000 đồng, vé tháng 100.000- 200.000 theo đối tượng khách. Người được miễn phí đi xe buýt ở Hà Nội cũng sẽ được miễn phí đi tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Tuần đầu, tàu điện hoạt động từ 5 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày, tần suất 15 phút mỗi chuyến, tuần tiếp theo 10 phút mỗi chuyến. Sau 6 tháng, thời gian vận hành kéo dài đến 22 giờ30, tần suất giờ cao điểm 6 phút mỗi chuyến. Nếu khách đi đông, biểu đồ chạy tàu sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây.
Chuyến tàu đầu tiên vận hành khi Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội – Ảnh: Ngô Nhung
Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh 16 tuyến buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe máy tại các bến.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.