Dịch đau mắt đỏ lây lan mạnh

Bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 bệnh nhân, trong đó có đến 20% bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

01

 

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Cháu Thái Thị Châu Giang (năm tuổi, trường Mầm non Sơn Ca- Định Công), bị lây bệnh mắt đỏ từ một bạn trong lớp. Trước đó cô giáo đã cảnh báo phụ huynh nhỏ nước muối và đeo kính 0 độ cho con để dự phòng. Chị Trần Thu Hằng, mẹ cháu Châu Giang cho biết, ban đầu cháu kêu ngứa mắt, mắt hơi hồng hồng, sau một đêm thì có dử nhiều và bị sang mắt kia. Hai mắt đỏ lừ, đau nhức, nhiều dử và cộm. Chị vội vàng đưa con đi khám và được bác sĩ hướng dẫn nhỏ thuốc, sau hai ngày thì cháu khỏi bệnh.

Tuy nhiên, chưa hết mừng vì con gái hết bệnh thì chị Hằng và con trai mới hơn một tuổi lại bị lây. Con trai chị Hằng cũng chỉ hai ngày là hết, nhưng mẹ thì đã nhỏ thuốc bốn ngày nay vẫn chưa khỏi.

Chị Hằng cũng cho hay, gần nửa học sinh trong lớp mầm non của con gái bị mắt đỏ và đều lây sang cho mọi người trong gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hải (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, thấy mắt phải bị đỏ, ra rỉ nhiều, hơi cộm, nghĩ là bụi bay vào mắt nên anh tự nhỏ nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, bệnh vẫn không khỏi mà con lan sang mắt trái. Lúc này anh Hải mới đến Bệnh viện Mắt Trung ương để kiểm tra.

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus. Ban đầu chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn có thể bị phù mắt đỏ, bệnh nhân có thể có màng trong mắt.

Khi thấy có biểu hiện của bệnh như nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ…, người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại cầm các vật dụng như điện thoại, điều khiển điều hòa, nắm cửa… nếu người khác chạm vào những vật dụng đó rồi lấy tay dụi mắt là đã có thể dính virus gây bệnh.

Một người bị đau mắt đỏ có thể là nguồn lây trong vòng gần 20 ngày, thậm chí lâu hơn nếu họ đau mắt kéo dài. Cơ chế truyền virus khi bệnh chưa phát hoặc đã khỏi khiến rất nhiều người bị đau mắt đỏ mà không thể biết mình lây từ đâu.

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ, không nên pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ nước muối không phù hợp có thể gây bỏng rát mắt. Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói. Người bệnh sau khi tự tra thuốc, lau mắt cũng cần chú ý đi rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn.

Để tránh bị lây, người nhà bệnh nhân không nên dùng chung đồ vật, tránh tiếp xúc với bệnh nhân, không nói chuyện trực tiếp với người bệnh, rửa mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng.

Bác sĩ Hoàng Cương cũng cho biết, bệnh đau mắt đỏ thông thường sẽ khỏi sau một tuần. Nếu sau bảy ngày, bệnh vẫn không đỡ, bệnh nhân phải đến khám lại vì có nhiều trường hợp mắt xuất hiện giả mạc, khi đó phải bóc bỏ.