Chủ động ngừa bệnh đau mắt đỏ
Bệnh viêm kết mạc cấp hay dân gian gọi là đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè, thu, bệnh thường gặp hơn và có thể lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch viêm kết mạc cấp.
|
Viêm kết mạc cấp biểu hiện ban đầu bằng các triệu chứng như cộm mắt, ngứa, có tiết tố (rử mắt). Phần kết mạc (lòng trắng) đỏ dần, có thể đỏ toàn bộ mắt. Nặng hơn, mi mắt có thể sưng nề, đỏ. Bệnh nhân có thể thấy nước mắt chảy ra có màu hồng do các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết, thoát huyết tương. Phần kết mạc mi có thể có giả mạc trắng. Điểm đặc biệt trong viêm kết mạc cấp là bệnh nhân không bị giảm thị lực (khả năng nhìn trước và khi bị bệnh là như nhau). Bệnh nhân có thể khó nhìn do rử mắt che khuất, sau khi lau sạch rử, mắt lại nhìn được bình thường.
Viêm kết mạc cấp có thể do vi khuẩn hoặc virut gây ra.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Bệnh biểu hiện cấp tính hoặc bán cấp với các triệu chứng: đỏ mắt, có tiết tố, phù, chảy nước mắt, kích thích. Tiết tố có thể có mủ hoặc mủ nhầy: gồm các tế bào, vi khuẩn, bạch cầu. Giả mạc có thể gặp trong viêm kết mạc do vi khuẩn, thường do H. influenza, streptococcus pneumoniae, corynebacterium diphtheriae gây ra.
Viêm kết mạc do virut
Viêm kết mạc do Adenovirus: biểu hiện đặc trưng là có hột, dấu hiệu này thường không có trong viêm kết mạc vi khuẩn. Biểu hiện một trong các dạng sau:
– Viêm kết mạc có hột cấp tính: Adenovirus typ 1, 2, 4-6, 19. Bắt đầu ở 1 mắt, sau đó lan dần sang 2 mắt. Giai đoạn cấp kéo dài 21 ngày, phục hồi hoàn toàn sau 28 ngày.
– Viêm kết mạc họng hạch (PharyngonoConjuctival Fever) do Adenovirus týp 3, 7 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện sốt, viêm kết mạc, viêm họng, đau đầu, tiêu chảy, ban đỏ, nổi hạch. Bệnh kéo dài 10-14 ngày, khỏi không để lại di chứng.
Viêm kết mạc cấp xuất huyết: do Enterovius 70 gây ra với các triệu chứng tương tự như trên và kèm theo xuất huyết kết mạc.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, một số bệnh cũng có biểu hiện đỏ mắt nhưng lại không phải là viêm kết mạc cấp như viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn. Vì vậy, khi có các dấu hiệu đỏ mắt, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán bệnh đúng và điều trị kịp thời.
Không tự ý điều trị để tránh những biến chứng đáng tiếc
Với các trường hợp viêm kết mạc cấp, cho dù do vi khuẩn hay virut gây ra thì bệnh nhân cũng vẫn cần dùng kháng sinh tra tại mắt nhằm loại trừ tác nhân gây bệnh (với viêm kết mạc do vi khuẩn) hoặc chống bội nhiễm (với viêm kết mạc do virut). Tùy theo mức độ viêm nặng hay nhẹ, các bác sĩ có thể cân nhắc dùng corticoid dạng tra mắt để làm giảm mức độ viêm, giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Việc dùng loại thuốc nào, với liều bao nhiêu phải do bác sĩ chuyên khoa mắt quyết định nhằm tránh các tác dụng phụ của thuốc, nhất là khi dùng corticoid tra mắt. Nếu được điều trị đúng, viêm kết mạc cấp sẽ khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì trong vòng 10 – 15 ngày điều trị.
Khi bị bệnh, không nên tự ý điều trị hoặc dùng thuốc của người khác vì một số bệnh nhân có thể có các biến chứng ở giác mạc. Tuyệt đối không được đắp lá, xông lá trầu không vì những biện pháp này không những không làm bệnh khỏi nhanh hơn mà còn có thể gây nhiễm khuẩn hoặc bỏng giác mạc, kết mạc.
Cấu trúc mắt
|
Viêm kết mạc hoàn toàn có thể phòng tránh
Viêm kết mạc cấp, đặc biệt là viêm kết mạc cấp do virut có khả năng lây lan nhanh, làm cho nhiều người mắc bệnh. Viêm kết mạc cấp lây lan chủ yếu qua đường tay – mắt. Vì vậy, để phòng viêm kết mạc cấp, cả bệnh nhân và người chưa mắc bệnh cần phải có ý thức về phòng bệnh.
Với người đang bị viêm kết mạc cấp: cần rửa tay ngay bằng xà phòng sau mỗi lần lau mắt, tra thuốc. Khăn mặt, khăn trải gối cần được giặt sạch bằng xà phòng. Cần để riêng các giấy, bông lau mắt vì đây là nguồn nhiễm tác nhân gây bệnh quan trọng. Nếu có điều kiện, người bệnh nên cách ly (nghỉ học, nghỉ làm việc). Khi bị bệnh, cần đi khám để được điều trị kịp thời, rút ngắn thời gian mang bệnh cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.