Triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung)

         Sáng 25/9, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai, tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trên quy mô toàn quốc tại 63 điểm cầu với sự tham gia của gần 10 nghìn người.

   Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TH).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2012 tại kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2013, trong đó, bổ sung thêm 9 điều mới; sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 1 điều.

Để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã tích cực, khẩn trương giúp Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, 3 Nghị định liên quan tới những thay đổi quan trọng của Luật này đã được ban hành là: Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về Minh bạch tài sản, thu nhập và mới đây nhất là Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 về Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng và các nội dung cơ bản của 3 Nghị định trên.

Hội nghị cũng được quán triệt nội dung Kế hoạch 2100/KH-TTCP do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 19/9/2013 về tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài.

Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, công tác rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp đã có nhiều chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành. Theo đó, đã có 466/528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng đã được xem xét, giải quyết (đạt tỷ lệ 88,26%).

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc khiếu nại đông người còn nhiều. Ngoài 528 vụ việc vẫn còn không ít vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Trước tình hình đó, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP để hạn chế đến mức tối đa các tình huống phức tạp phát sinh, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh, so với Kế hoạch 1130 được Thanh tra Chính phủ triển khai trước đây thì Kế hoạch 2100 có đối tượng rộng hơn, số lượng vụ việc lớn hơn và thời gian triển khai liên tục, không gián đoạn.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Phong Tranh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội, của nhân dân trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giải đáp những vướng mắc liên quan đến các quy định về hình thức quản lý bản kê khai, cách thức giải trình những tài sản biến động, các biện pháp khắc phục hành vi tham nhũng… Qua đó đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời bảo đảm cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả./.

Nguồn ĐCSVN