Những xu hướng nổi trội

Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan toàn cầu, cướp đi sinh mạng hàng triệu người, làm điêu đứng kinh tế thế giới và đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói. Và cũng trong năm 2021, thế giới liên tục chứng kiến các tập hợp lực lượng mới, những cọ xát, cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, trên phạm vi toàn cầu cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhiều thách thức toàn cầu cũng đang nổi lên như sự tái xuất hiện nguy cơ khủng bố, vấn đề phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu trái đất, thương mại toàn cầu, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng… đòi hỏi sự gia tăng hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia. Nhìn tổng thể, đây sẽ là những vấn đề lớn tác động đến tình hình thế giới trong năm 2022 như sau.

trang-6_kgev
1. Xu hướng gia tăng cạnh tranh chiến lược bên cạnh mặt hợp tác giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, tiếp tục được thúc đẩy.

Mỹ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nên mối quan hệ giữa hai siêu cường này đã, đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện thế giới. Trong phần lớn thời gian 43 năm từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngày 1-1-1979, hợp tác được xem là đặc trưng chính và là sợi chỉ xuyên suốt trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước này. Tuy nhiên, tính chất quan hệ này đã có sự chuyển biến cơ bản khi Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, và khoảng cách sức mạnh tổng hợp giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng bị thu hẹp. Khi lên cầm quyền 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi cách ứng xử với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược và do vậy tìm cách cạnh tranh trực diện với Trung Quốc trên tất cả các mặt.

Tuy mới lên cầm quyền được 1 năm nhưng chính sách Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden đã được định hình khá rõ nét, đó là tiếp tục kế thừa các chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, nhưng có một số điều chỉnh mới. Đáng chú ý, chính phủ của ông Joe Biden chủ trương thắt chặt quan hệ với các đồng minh, đối tác, thiết lập các liên minh mới, củng cố các liên minh hiện có, từng bước lôi kéo họ vào “chiến lược mềm” kiềm chế Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì các đối thoại cấp cao với Trung Quốc.

Phương châm chỉ đạo của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”. Còn về phía Trung Quốc, nước này cũng vạch ra các “lằn ranh đỏ” trong quan hệ và cảnh báo Mỹ không được vượt qua như: Không được ngăn cản sự phát triển hòa bình của Trung Quốc; Không được can thiệp thay đổi sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của người dân Trung Quốc; Không được khuyến khích và ủng hộ chủ nghĩa ly khai, tách khỏi Trung Quốc của Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và ủng hộ Đài Loan độc lập.

Đây sẽ tiếp tục là đặc trưng lớn của quan hệ Mỹ – Trung trong năm 2022, bất chấp việc lãnh đạo hai nước vừa có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden lên cầm quyền, với mong muốn tạo lòng tin, tạo dựng khuôn khổ mới để quản lý các khác biệt, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định.

Với chiều hướng quan hệ Mỹ – Trung như vậy, có thể dự báo một số hệ quả sau với thế giới và khu vực:

Một là, khả năng chiến tranh hay xung đột Mỹ – Trung sẽ ở mức thấp và do đó hòa bình vẫn tiếp tục là xu thế nổi trội trên thế giới.

Hai là, do cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tiếp tục được đẩy mạnh, khả năng cao sẽ có nhiều vận động ngoại giao và tập hợp lực lượng mới ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới nhằm tạo thế cho Mỹ và Trung Quốc trong quan hệ cạnh tranh chiến lược này.

Ba là, cạnh tranh Mỹ – Trung cũng tạo ra các dư địa mới để các nước vừa và nhỏ trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh quan hệ với cả hai, trong khi vẫn thúc đẩy, đa dạng hóa quan hệ với các trung tâm quyền lực khác nhằm bảo đảm tốt hơn các lợi ích kinh tế, an ninh của mình.

2. Các nỗ lực toàn cầu và khu vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để kiềm chế và kiểm soát đại dịch Covid-19 và hướng tới các mục tiêu phục hồi kinh tế toàn diện.

Năm 2022 đánh dấu “năm Covid-19 thứ 3”, trong khi thế giới vẫn chưa nghiên cứu được loại thuốc vaccine hay thuốc điều trị nào thực sự có hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 và các biến thể của nó. Mặt khác, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy đại dịch Covid-19 sẽ sớm chuyển sang bệnh cúm mùa. Với tình hình như vậy, dự báo các vận động của thế giới liên quan đến vấn đề này trong năm 2022 sẽ diễn ra theo các chiều hướng sau:

Thứ nhất, sống chung với Covid-19 một cách an toàn và giảm các rủi ro ở mức tối thiểu là lựa chọn hợp lý nhất đối với các quốc gia trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp trên toàn cầu đang gia tăng, cộng với tiến bộ trong phát triển các loại thuốc điều trị. Đây sẽ là yếu tố quyết định để các quốc gia chuyển vững chắc sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế toàn diện.

Thứ hai, hợp tác và chia sẻ thông tin trong nền kinh tế tri thức ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đây được xem là cách thức tốt nhất để thích ứng và cùng tồn tại trong một thế giới đầy biến động.

Thứ ba, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị rủi ro và kinh tế số sẽ được thúc đẩy và là khâu đột phá giúp người dân, doanh nghiệp và quốc gia không chỉ thích ứng, mà còn phát triển trong đại dịch.

3. Phát triển kinh tế gắn liền với các tiêu chí bền vững, xanh, sạch, bảo vệ môi trường và giảm khí phát thải.

Xu hướng lớn trên thế giới hiện nay, và sẽ được tiếp tục nhấn mạnh trong năm 2022, thể hiện rõ nhất qua Hội nghị COP26 Glasgow (Anh) về chống biến đổi khí hậu toàn cầu với sự tham dự của 197 quốc gia trên thế giới đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ:

Thứ nhất, đã qua rồi thời kỳ thế giới “nương tay” với vấn đề môi trường ở các quốc gia đang phát triển. Muốn bảo vệ tốt hành tinh xanh, tất cả các quốc gia phải chung tay đóng góp.

Thứ hai, hệ sinh thái phát triển xanh đang dần hình thành trên toàn cầu, tác động đến tất cả các quốc gia từ câu chuyện hội nhập kinh tế, sản phẩm xanh, thị trường xanh, công nghệ xanh đến tài chính xanh… Điều này không chỉ chi phối nguồn lực phát triển, mà còn định hình cách thức các quốc gia sắp xếp lại và định hướng các ưu tiên phát triển của mình.

4. Các yếu tố phức tạp, bất trắc và khó lường sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn, làm cho việc quản trị các vấn đề trên ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu ngày một khó khăn, phức tạp hơn.

Năm qua, đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nhân tố bất ngờ, khó lường tác động đến toàn bộ các quốc gia, và những phản ứng có phần bị động của các quốc gia liên quan khiến tình hình càng thêm phức tạp. Chẳng hạn như sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới là Delta và Omicron cùng các tác động tức thời của chúng đối với sinh mạng người dân và hệ thống y tế toàn cầu; sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến vật giá và lạm phát leo thang phi mã ở hầu hết các nền kinh tế lớn, sự quay trở lại cầm quyền của Taliban tại Afghanistan, sự ra đời của liên minh an ninh tay ba AUKUS…

Để có thể ứng phó linh hoạt, hiệu quả hơn trước các bất ổn tương tự nảy sinh trong năm 2022, các quốc gia sẽ buộc phải tìm cách gia tăng nội lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, trong khi tăng cường phối hợp cùng các quốc gia khác thông qua kênh song phương cũng như các cơ chế liên khu vực và toàn cầu.

Như vậy, trong bức tranh nhiều gam màu của thế giới trong năm 2022, dù còn không ít lực cản, nhưng cơ hội của Việt Nam vẫn rất lớn, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; mở rộng, làm sâu sắc quan hệ và tạo sự đan xen về lợi ích với các đối tác quan trọng; phát huy ảnh hưởng trên quốc tế; và phát triển kinh tế mang tính đột phá.

Đại sứ HOÀNG ANH TUẤN (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao)

Nguồn: SGGP