Điều chỉnh sắc màu bức tranh lạm phát

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12-2021 giảm 0,18% (khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,16%) so với tháng trước. Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 và hoàn toàn nằm trong mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ.

Đây là kết quả của sự điều hành đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô nhưng cũng đến từ một số nguyên nhân như cầu trong nước vẫn yếu; các yếu tố tiền tệ có mức tăng trưởng ở mức vừa phải; các giải pháp hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả tối đa khi dung lượng thực tế so với quy mô nền kinh tế vẫn còn thấp.

“Sóng” lạm phát không dâng đều

Tuy nhiên, một số dấu hiệu tăng giá cũng đã xuất hiện: giá nhiên liệu và hàng hóa cơ bản trên thế giới đang trong xu hướng tăng khiến CPI riêng tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước – là tháng có mức tăng cao thứ nhì từ đầu năm đến nay, chỉ thua tháng 7 là tháng cao điểm giãn cách xã hội – và tăng 2,1% so với cùng kỳ 2020.
13_tekj
Nhìn chung, lạm phát trong nước đến thời điểm này tăng thấp hơn so với thế giới và hoàn toàn nằm trong mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ. Đây là kết quả của sự điều hành đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô nhưng cũng đến từ một số nguyên nhân như cầu trong nước vẫn yếu; các yếu tố tiền tệ có mức tăng trưởng ở mức vừa phải; các giải pháp hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả tối đa khi dung lượng thực tế so với quy mô nền kinh tế vẫn còn thấp.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát tại các quốc gia phát triển trên thế giới sẽ hạ nhiệt nhanh chóng và trở về tiệm cận mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong trung và dài hạn. Ngược lại, dù theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 2,3%, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước ước tính sẽ ở mức cao hơn.

Thắt chặt quá cũng không ổn 

Đáng lưu ý là giá cả hàng hóa trên thế giới có giảm nhưng mức giảm không lớn, hầu hết đều tương đương mức giá trong năm 2021. Trong khi đó, do tác động của Covid-19, sản xuất hàng hóa ở nước ta có những gián đoạn đáng kể nên sự tăng giá của hàng hóa thế giới làm đầu vào sản xuất ở nước ta chưa được phản ánh hoàn toàn vào giá cả thị trường.

Năm 2022, khi nền kinh tế hoạt động ở công suất cao hơn thì sự tăng giá nguyên liệu mới có khả năng thể hiện hoàn toàn vào giá sản phẩm và qua đó làm tăng lạm phát trong nước. Giá các mặt hàng lương thực thực phẩm (chiếm khoảng 17% trọng số trong rổ hàng hóa tính toán CPI) có một số nguy cơ tiềm ẩn tăng giá. Tâm lý “mua sắm trả thù” theo một số quan điểm có thể không diễn ra một cách ồ ạt, do túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tâm lý phòng vệ về tài chính tăng lên sau nhiều đợt dịch liên tiếp. Tuy nhiên, sức bật của nhu cầu về hàng hóa và nhất là các dịch vụ như du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí sẽ tăng mạnh khi nền kinh tế vận hành bình thường cũng sẽ tạo ra những áp lực với lạm phát.

Bên cạnh đó, tùy theo cơ cấu hạng mục của gói kích thích kinh tế mà tác động tới lạm phát sẽ khác nhau. Nếu chú trọng kích cầu thông qua những gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân hoặc đẩy mạnh chi tiêu của Chính phủ thông qua đầu tư công thì áp lực lên lạm phát cũng sẽ tương đối lớn.

Áp lực là có nhưng cũng phải thấy rằng, năm 2022 sẽ là một năm quan trọng thực hiện các chiến lược phục hồi kinh tế. Nếu quá chú trọng thắt chặt các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ khó khăn, thậm chí gây ra hiện tượng đình đốn – lạm phát vẫn cao trong khi tăng trưởng kinh tế giảm sút. Để kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu trong năm 2022 khoảng 4%, cần phải cân đối giữa việc kích cầu và việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước (thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và các ngành có khả năng lan tỏa lớn trong nền kinh tế).

Một số ý kiến lo ngại việc tăng bội chi ngân sách nhà nước thông qua đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công sẽ làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước không cho phép Chính phủ bù đắp thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành tiền nên khả năng này sẽ khó có thể xảy ra. Nếu bù đắp bằng cách vay trong nước thì tổng cung tiền trong nền kinh tế không thay đổi (tiền chỉ chuyển dịch từ khu vực tư nhân sang khu vực công) và sẽ không tạo ra áp lực lạm phát.

Cân nhắc kỹ giá điện 

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa cần đảm bảo được việc bù đắp bội chi ngân sách bằng vay trong nước nhằm tránh được áp lực lạm phát, đảm bảo nguồn hỗ trợ thiết yếu cho nền kinh tế trong giai đoạn hồi phục. Một trong những giải pháp khả dĩ là phân cấp và giao nhiệm vụ cho các địa phương có nhiều lao động triển khai chương trình nhà ở cho người lao động theo hướng địa phương giao đất sạch, Chính phủ cấp kinh phí từ trái phiếu Chính phủ để xây dựng các khu nhà ở cho người lao động thuê theo thu nhập. Tài sản là của Nhà nước giao cho địa phương thành lập doanh nghiệp công ích quản lý, bảo trì việc xây dựng và tiến hành theo luật hiện hành.

Yêu cầu quan trọng khác là theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính thế giới, nhất là động thái siết chặt chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn để có chính sách tiền tệ phù hợp. Có chính sách kiểm soát sự tăng trưởng đang có dấu hiệu quá nóng tại thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Sự tăng giá quá nhanh của các thị trường tài sản vừa gây ra áp lực lạm phát vừa gây ra lạm phát kỳ vọng, gây khó khăn cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong trường hợp xảy ra bong bóng trên thị trường tài sản, hậu quả mang tới cho một nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 là rất nặng nề.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến một công cụ quan trọng trong điều hành giá cả: xây dựng phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình phù hợp. Hiện nay, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chiếm khoảng 14% rổ hàng hóa (bao gồm giá điện, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục).

Cần cân nhắc vấn đề giá điện. Giá điện đã không tăng gần 3 năm (lần gần nhất là tháng 3-2019) và trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất năng lượng như than, LNG hay khí tự nhiên đều có xu hướng tăng mạnh vào năm 2021 và được dự báo sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn so với mức trước dịch bệnh Covid-19. Nếu điều chỉnh giá điện trong năm 2022 sẽ gây ra áp lực lạm phát tương đối đáng kể khi nhu cầu về điện trong năm 2022 dự kiến tăng khi các hoạt động sản xuất phục hồi. Chính vì thế, cần có lộ trình tăng giá điện hợp lý, công khai để các hộ tiêu thụ điện có kế hoạch cân đối sản xuất và đẩy mạnh đầu tư thiết bị có công nghệ mới, tiêu thụ ít năng lượng. Đây cũng là hình thức thúc đẩy đầu tư của các thành phần kinh tế nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua.

Nguồn SGGP