Nỗ lực kiểm soát giá cả
Sau khi giá xăng dầu bán lẻ tăng thêm gần 1.000 đồng/lít từ ngày 11-2, cộng với tình hình chính trị thế giới bất ổn thời gian gần đây, một số mặt hàng thiết yếu đối mặt với áp lực tăng giá, tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa.
Giá xăng dầu bán lẻ tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1 tăng 1,94% và lạm phát cơ bản tăng 0,66%.
Chịu ảnh hưởng nặng nhất là các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như nuôi trồng – khai thác thủy hải sản, vận tải hàng hóa và hành khách… Điều này gây ra những lo ngại trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nối lại đường bay, mở cửa du lịch, phục hồi sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất nhập khẩu sau đại dịch. Thậm chí, có ý kiến nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ vô hiệu hóa chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang triển khai để kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.
Diễn biến thị trường đòi hỏi một giải pháp linh hoạt khi điều hành giá xăng dầu bán lẻ, song hành nỗ lực kiểm soát giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để tác động quá lớn tới đời sống người dân.
Theo Bộ Công thương, hiện tại lượng xăng dầu trong nước đã chủ động được khoảng 75%, còn lại 25% phải nhập khẩu. Sự cố tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) chỉ tạm thời, sẽ hoạt động đủ 100% công suất kể từ ngày 15-3; trong khi các nhà máy lọc hóa dầu còn lại đều đã tăng công suất. Như vậy, nguồn cung không thiếu.
Để tránh lặp lại tình trạng thiếu nguồn xăng đột xuất, theo các chuyên gia, chúng ta phải hình thành một kho dữ liệu về xăng dầu và kho dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo được nguồn dự trữ trong khoảng thời gian dài, đủ sức chống chịu với những diễn biến xấu của thị trường thế giới. Cùng với đó, vẫn cần duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phòng ngừa, giảm thiểu áp lực khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhưng cần phải linh hoạt và công khai, minh bạch hơn để quỹ thực sự hiệu quả là công cụ bình ổn giá khi thị trường biến động.
Thực hiện Nghị định 95 của Chính phủ, giá xăng dầu đã được điều chỉnh linh hoạt theo chu kỳ 10 ngày một lần, tác động của giá xăng dầu thế giới tới giá xăng dầu nội địa là không thể tránh. Vì vậy, trong từng thời điểm, có thể linh hoạt giảm hoặc tạm dừng thuế bảo vệ môi trường, thậm chí miễn giảm thuế nhập khẩu xăng, để trực tiếp hỗ trợ các lĩnh vực liên quan đầu vào sản xuất kinh doanh vượt qua áp lực tăng giá, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện mỗi lít xăng dầu đang phải chịu nhiều loại thuế phí, với tỷ trọng chiếm 55%-60% đối với xăng, 35%-40% đối với dầu khi bán tới tay người tiêu dùng. Riêng thuế bảo vệ môi trường, quy định cứng ở mức 3.800-4.000 đồng/lít, có thời điểm chiếm 32% trong cơ cấu giá xăng, 20% giá dầu. Đây là nguyên nhân khiến giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao. Bỏ thuế môi trường ở thời điểm này cũng cần được cân nhắc để giúp bình ổn giá xăng dầu; hoặc cũng có thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, vì đây là mặt hàng thiết yếu, không thể coi là hàng hóa đặc biệt như rượu bia, thuốc lá, ô tô… Trong bối cảnh giá xăng dầu quá “nhạy cảm” hiện nay, cũng cần kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu khác như điện, nước, viễn thông… để tránh cộng hưởng làm tăng áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế, kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.