Nghề biển… hụt hơi
Giá dầu tăng, ngư trường cạn kiệt, dịch bệnh kéo dài và nhất là khan hiếm lao động đi biển, đang khiến hàng ngàn tàu cá trên cả nước phải nằm bờ.
Hàng loạt tàu đánh cá tại làng biển xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) nằm bờ. Ảnh: DUY CƯỜNG
Miền Trung: Thiếu bạn tàu
Dù đang vào mùa đánh bắt nhưng không khí ở làng biển xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) vẫn đìu hiu. Ông Hoàng Văn Sửu (trú thôn Thắng) than: “Lâu nay tàu phải nằm bờ do bạn tàu dính Covid-19 nên không có người đi. Vừa rồi, một số tàu chuẩn bị đi thì dầu tăng giá, phí tổn quá cao nên lại phải nằm bờ tiếp. Làm ăn không được nên nhiều người đã bỏ đi làm nghề khác”.
Làng biển xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cũng trong cảnh tương tự. Cả xã có khoảng 160 tàu lớn chuyên đánh bắt xa bờ thì chỉ khoảng một nửa vươn khơi. Một ngư dân ở xóm Hợp Tiến (xã Quỳnh Lập) chia sẻ: “Không chỉ giá dầu tăng, dịch Covid-19, mà nguồn hải sản cũng khan hiếm, nghề đi biển lại nguy hiểm nhưng thu nhập bấp bênh nên chẳng còn mấy ai mặn mà”. Ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập, cho biết, để duy trì hoạt động 4 con tàu của gia đình, ông phải mời gọi, thuyết phục những người thân quen, thanh niên ở nhiều vùng miền khác mới có đủ bạn để vươn khơi. Do đánh bắt thua lỗ, thiếu lao động, nên chỉ từ tháng 10-2021 đến nay, có 10 chủ tàu tại xã Quỳnh Lập phải bán tàu, hiện 5 tàu khác cũng đang rao bán.
Tại vùng biển Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi), thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), 2 năm nay do thiếu lao động, các chủ tàu phải tìm tới các địa phương khác, thậm chí lên cả miền núi để tìm kiếm bạn tàu. Nhiều chủ tàu tại thị xã Hoài Nhơn phản ánh, để có bạn tàu, họ phải trả cọc trước 5 triệu đồng/người, nhưng có không ít bạn tàu nhận cọc rồi “lặn” mất. Ngư dân V.Th.H. (42 tuổi, xã Hoài Thanh) cho biết: “Để 3 tàu cá được ra khơi phải cần gần 40 lao động, nhưng vài năm trở lại đây rất khan hiếm bạn tàu. Nhiều bạn làm ăn được 2-3 tháng thì nghỉ, đi tìm việc khác”.
Ông Phan Văn Hải cho biết, “kéo” ngư dân về với biển thực sự khó khăn, vì nghề biển bấp bênh, nguy hiểm, trong khi trên bờ có nhiều việc, thu nhập ổn định. “Bây giờ ở Quỳnh Lập, chủ tàu phải trả lương cho bạn tàu theo tháng thay vì chia sản phẩm như trước đây. Nếu đi tàu lớn thì 10 triệu đồng/tháng, tàu nhỏ 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá dầu tăng, sản lượng đánh bắt thấp nên nhiều tàu không trả lương nổi”, ông Hải ngậm ngùi.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết, thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển, nhưng vấn đề cốt yếu nhất là nghề biển phải có thu nhập cao thì ngư dân mới yên tâm, nhưng thực tế thì ngược lại.
Theo ông Ngô Thanh Thoại, chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), hiện địa phương có 2.100 tàu cá nên phải cần trên 16.000 lao động mới đáp ứng được nhu cầu. Nhưng lực lượng lao động biển hiện tại ở thị xã không đủ, các chủ tàu phải ra ngoài tìm kiếm bạn tàu rất khó khăn. Theo ông Thoại, để giải quyết bài toán thiếu lao động biển một cách dài hơi, ngư dân cần đẩy mạnh hình thành các chuỗi, mô hình liên kết trên biển, phát huy hiệu quả các tổ đội đánh bắt đoàn kết, cùng chia sẻ, tìm kiếm ngư trường. Đặc biệt, chủ tàu cần quan tâm, hỗ trợ các thuyền viên và gia đình họ để họ làm việc lâu dài với mình. Trong hợp tác giữa chủ tàu và lao động cần có hợp đồng lao động để khi xảy ra sự cố, đôi bên có thể chịu sự ràng buộc, thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Miền Đông, miền Tây Nam bộ: Hàng ngàn tàu cá nằm bờ
Không chỉ khu vực miền Trung, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tại các cửa biển lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau như Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc…, lượng tàu cá cũng neo đậu tăng bất thường so với hàng năm. Các chủ tàu cho biết, họ không dám ra khơi vì giá dầu hiện đang ở mức quá cao. Tỉnh Cà Mau có gần 4.500 tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Thông thường tiền dầu chiếm 50%-60% chi phí mỗi chuyến ra khơi.
Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) cho biết, hiện những tàu cá ra khơi sau Tết Nguyên đán đang chuẩn bị vào bờ. Qua nắm bắt tình hình thì sản lượng không tăng, giá bán cá cũng như vậy. Trong khi đó, giá nhiên liệu ở mức quá cao. Dự báo sau chuyến biển này, tàu cá nằm bờ sẽ còn nhiều hơn.
Tại Kiên Giang, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, cho biết, tàu cá nằm bờ do 2 nguyên nhân chính: một là giá dầu tăng, sản lượng cá giảm; hai là khó kiếm ngư phủ. “Với giá dầu, chúng tôi kiến nghị kiềm chế tăng giá, chứ nếu không thì vài tháng nữa có bán tàu cũng không ai mua”, ông Ngữ kiến nghị.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Chi cục Thủy sản tỉnh thống kê, đến ngày 8-3, toàn tỉnh hiện có gần 900 tàu cá đang phải nằm bờ. Cụ thể, có hơn 670 tàu cá nằm bờ do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao và hàng hải sản không xuất bán được theo đường tiểu ngạch; hơn 210 tàu không ra khơi do thiếu lao động đi biển hoặc đang sửa chữa.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.