Tuyển sinh đại học năm 2022: Lo chỉ tiêu vượt xa năng lực đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ và hệ cao đẳng ngành giáo dục mầm non (gọi tắt là Thông tư 03). Trong đó, điểm nổi bật là các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, những ngành đặc thù được ưu tiên tuyển sinh… Tuy nhiên, cũng chính “điểm nổi bật” này lại khiến nhiều chuyên gia e ngại.

i4b_nkjy
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021

Tự chủ xác định chỉ tiêu

Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Thông tư 03 được xây dựng với nhiều điểm mới theo tinh thần của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và bổ sung năm 2018 (Luật số 34) và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật số 34. Các cơ sở đào tạo được trao quyền tự chủ, tự chịu trách trong xác định chỉ tiêu theo những tiêu chí quy định của Bộ GD-ĐT để đảm bảo giữa năng lực đào tạo cũng như quy mô tuyển sinh.

Hai tiêu chí quan trọng nhất để các trường xác định chỉ tiêu, đó là: tỷ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên, giảng viên thỉnh giảng; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tính trên một sinh viên chính quy và các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Trong 2 tiêu chí này, tiêu chí 1 có rất nhiều điều chỉnh so với trước đây và tiêu chí 2 vẫn giữ nguyên khi quy định 2,8m2/sinh viên (hệ chính quy).

Ở tiêu chí giảng viên, Thông tư 03 quy định số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên cơ hữu ở từng lĩnh vực đào tạo (tăng 5% so với Thông tư 07/2020). Riêng các ngành đào tạo đặc thù, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên cơ hữu (tăng 10% so với Thông tư 07/2020)…

Đáng chú ý nữa là Thông tư 03 có nhiều điểm mới nhằm cụ thể hóa bất cập mà những thông tư trước đây chưa đề cập đến như: đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo ngôn ngữ văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo ngôn ngữ văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo thể dục thể thao, ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật… được bổ sung thêm các thành phần giảng viên (nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, các chức danh nghệ nhân…) trong xác định chỉ tiêu.

Cùng với những quy định mới, Bộ GD-ĐT cũng có những quy định đối với các cơ sở đào tạo trong việc công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định theo ngành/nhóm ngành trong đề án và kế hoạch tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý trực tiếp. Đồng thời, các cơ sở đào tạo phải bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Vẫn khó kiểm soát giảng viên thỉnh giảng   

Mới đây, cuộc tổng kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã thực hiện trên 200 trường ĐH về các điều kiện đảm bảo chất lượng như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, quy mô sinh viên. Kết quả cho thấy, hàng loạt giảng viên thiếu chuẩn trầm trọng (30%-64% chỉ có trình độ ĐH) – Luật số 34 quy định giảng viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên; rất nhiều trường tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng thiếu nhiều so với quy định; hàng loạt trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu… Do đó, việc tăng thêm tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu là một trong những kẽ hở mà nhiều cơ sở tiếp tục tận dụng, tuyển vượt chỉ tiêu sẽ tiếp tục tái diễn.

Một nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, những ngành, những trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế hoặc khu vực thì nên cho tăng chỉ tiêu. Riêng các trường đạt chuẩn kiểm định trong nước thì phải xem lại, vì thực tế công tác kiểm định và công nhận đạt chuẩn rất có vấn đề. Mới đây, tại hội nghị công tác kiểm định chất lượng, nhiều chuyên gia đã nói thẳng rằng: Trường đạt chuẩn kiểm định (chuẩn trong nước) nhưng thực tế những tiêu chí cốt lõi cần đạt thì điểm rất thấp, những tiêu chí “râu ria” thì điểm rất cao.

Ngoài ra, quy định dựa vào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm dưới 80% không được phép tăng chỉ tiêu (có nghĩa là trên 80% được phép tăng chỉ tiêu) là điều chưa thuyết phục. Thực tế, tỷ lệ này luôn là con số thổi phồng từ các trường, khi trường nào cũng tự công bố 95%-100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm (thực tế tỷ lệ thất nghiệp lại rất cao). Nếu không tính kỹ, vô tình đây cũng là một trong những cái cớ hợp lý để các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Với kinh nghiệm nhiều năm phụ trách công tác tuyển sinh và đào tạo, Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM, cho rằng, việc Thông tư 03 nâng tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu là điều mừng ít lo nhiều. Mừng là nếu trường nào trung thực thì việc có nhiều giảng viên thỉnh giảng có chất lượng sẽ giúp việc học thực hành, thực tập của sinh viên tốt hơn. Trong khi đó, điều đáng lo là làm sao kiểm soát được con số thực của giảng viên thỉnh giảng ở các trường. Hiện nay phần mềm kiểm soát giảng viên cơ hữu cũng chỉ biết giảng viên A là cơ hữu ở trường nào, còn việc giảng viên này xuất hiện ở nhiều trường khác thì phần mềm không biết chính xác. Do đó, việc một trường kê khống số lượng giảng viên thỉnh giảng lên hàng trăm người để xác định chỉ tiêu thì cũng khó kiểm soát.

Thông tư 03 quy định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo không được tăng trong các trường hợp sau: Cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật số 34, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm kể từ khi có kết luận về vi phạm của cơ sở đào tạo; cơ sở đào tạo chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của lĩnh vực đó đạt dưới 80%, hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%…

Nguồn SGGP