Xúc động tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân hy sinh tại Gạc Ma
Sáng 14-3, tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, đoàn cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988.
Chiến đấu dũng cảm, không ngại hy sinh
Tại buổi lễ tưởng niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma, bà Lê Thị Minh Hiền, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, đã ôn lại thời khắc lịch sử 14-3-1988 tại đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, vào đầu tháng 3-1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng 2 hạm đội đến khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu chiến hoạt động thường xuyên từ 9-12 chiếc. Lúc 5 giờ ngày 14-3-1988, Tàu HQ 605 được điều động từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao, cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Tàu HQ 604, HQ 505 được điều từ đảo Đá Lớn về Gạc Ma và Cô Lin, với 92 chiến sĩ.
Sau khi 2 tàu HQ 604 và HQ 505 thả neo được 30 phút thì tàu hộ vệ của Trung Quốc chạy đến Gạc Ma, dùng loa khiêu khích, thay nhau chạy quanh đảo, uy hiếp các cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ tàu 604 và 505 động viên giữ vững quyết tâm, kiên trì neo giữ bảo vệ đảo.
Tư liệu tàu HQ 604 và HQ 505 lưu giữ tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị quyết giữ vững đảo Gạc Ma và Cô Lin; thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm 13-3. Lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ chiến đấu bảo vệ đảo. Lúc này, phía Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma.
Đến 6 giờ ngày 14-3, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo rồi nổ súng, giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương đã hy sinh, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, đến 7 giờ 30 ngày 14-3, 2 tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu 604, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội đánh trả quyết liệt.
Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng và chìm. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng 146 Trần Đức Thông cùng 1 số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tại CôLin và Len Đao, cán bộ, chiến sĩ tàu 505, 605 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên đảo.
Dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ 505 đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các cán bộ, chiến sĩ Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương cũng được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phút mặc niệm tri ân 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy – UBND – LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa tham dự buổi lễ tưởng niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma
Đông đảo người thân, đồng đội, nhân dân cả nước đã về đây dâng hương và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An – đứng trước) một mình đón xe khách vào Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để làm giỗ cho người em trai là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam (SN 1967) và đồng đội.
Ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – dâng hương tại mộ gió 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh ở Gạc Ma
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, dâng hương tại mộ gió 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh ở Gạc Ma
Bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh – người đã hy sinh anh dũng cùng tàu HQ 604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, đưa người thân đến viếng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
“Tôi rất vui khi ảnh cưới năm nào của liệt sĩ Doanh được ban quản lý trưng bày rất trân trọng. Đây là thời gian hạnh phúc nhất của chúng tôi. Dù thi hài anh vẫn nằm lại Gạc Ma nhưng bây giờ chúng tôi coi Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma như mộ của anh” – bà Hà nói.
Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh…
Cứ đúng ngày 14-3, Hội Cựu chiến binh Trường sa TP Cam Ranh lại về Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để dâng hương hoa đến đồng đội. Thượng tá Từ Công Tào cho biết năm 1986, ông công tác y tế tại đảo Song Tử Tây, sau đó về làm đội phó đội điều trị 486 – Vùng 4 Hải quân. Năm 1988, thượng tá Tào là người chữa trị cho 15 thương binh của trận hải chiến Gạc Ma, trong đó có anh hùng Nguyễn Văn Lanh.
Thượng tá Tào nhớ lại: “Tháng 3-1988, đơn vị quân y được lệnh bố trí người theo tàu ra Gạc Ma, đồng đội tôi có y sĩ Phan Huy Sơn (SN 1963, quê Nghệ An) đã lên đường làm nhiệm vụ. Sơn với tôi vốn làm quân y trên đảo Song Tử Tây, Sơn là bí thư chi đoàn của đảo nên rất nhiệt tình tháo vát. Hai anh em trao đổi nghiệp vụ để giúp đỡ thương binh. Năm 1988, tôi đi đảo khác công tác, Sơn được phân công đi Gạc Ma. Đến ngày 14-3-1988, Sơn hy sinh, để lại nhiều đau thương cho gia đình và đồng đội”.
Liệt sĩ Phan Huy Sơn có 2 con, hoàn cảnh khó khăn khi con trai đầu lòng bị bệnh nặng. Trước khi anh lên đường làm nhiệm vụ, người vợ có bầu đứa con thứ hai. Thế nhưng, khi con gái còn trong bụng mẹ thì bà Trần Thị Ninh nhận được hung tin: Người chồng và đồng đội đã anh dũng hy sinh ở đảo Gạc Ma…
Dâng hương hoa đến đồng đội tại Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma sáng nay, 14-3, thượng tá Từ Công Tào xúc động đọc bài thơ do ông sáng tác: …Các anh nằm đó, giữa biển Đông/ Quần đảo thiêng liêng của Việt Nam đất mẹ/ Mười bốn tháng ba năm nay mọi người đều lặng lẽ/ Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh…
Thượng tá Từ Công Tào (thứ 3 từ phải qua) cùng các động đội tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma
Chị Trần Thị Thủy, con gái Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương – người đã hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, thắp hương cho cha và các đồng đội. Thủy cho biết khi chị còn trong bụng mẹ thì người cha đã hy sinh. Trước đó, thiếu úy Trần Văn Phương đã gửi thư đong đầy tình yêu thương dặn dò vợ giữ gìn sức khỏe…
Các đồng đội, cựu chiến binh ghé thăm bảo tàng. nơi lưu giữ tư liệu về 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma năm 1988
VÒNG TRÒN BÂT TỬ
Chúng tôi luôn nhớ về vùng đảo Gạc Ma
Nơi đồng đội hy sinh 34 năm về trước
Nỗi nhớ thương không thể nói hết được
Nơi đảo ngàn biển nước mênh mông
Các anh nằm đó, giữa biển Đông
Quần đảo thiêng liêng của Việt Nam đất mẹ
Mười bốn tháng ba năm nay mọi người đều lặng lẽ
Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh
Tượng đài vòng tròn bất tử nơi bán đảo Cam Ranh
Hình dáng hiên ngang đời đời bất tử
Đồng đội ơi! Chúng ta thề quyết giữ
từng tấc đất biển đảo chủ quyền
Nơi các anh đã hiến trọn máu xương
Cho Tổ quốc trường tồn mãi mãi
(Thơ của Thượng tá quân y Từ Công Tào đọc tại Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma ngày 14-3-2022)
Nguồn: NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.