Lo nước sạch cho dân vùng hạn, mặn ở ĐBSCL
Trước những diễn biến hạn mặn ngày càng phức tạp, gần đây các địa phương ở ĐBSCL đẩy mạnh đầu tư công trình trữ nước, cấp nước sinh hoạt… nhằm giúp người dân thoát khỏi tình trạng “khát” nước sạch mỗi khi tới mùa khô.
Nhiều hộ dân ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) không còn lo thiếu nước vào mùa khô
Hết sợ thiếu nước
Tại nhiều nơi ở ĐBSCL, cứ vào mùa khô là người dân lại lo tình trạng xâm nhập mặn gây thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Rõ nhất là các mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, tình trạng “khát” nước diễn ra ở nhiều vùng nông thôn ĐBSCL.
Tuy nhiên, mùa khô năm nay, bà Trần Thị Tròn (ấp 4, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng như nhiều người dân nơi đây không còn cảnh phải đổi từng thùng nước về sử dụng như trước. Nguyên nhân nhờ đường ống dẫn nước sạch của địa phương đã kéo ngang nhà. Chỉ chúng tôi 2 lu trước nhà đầy nước, bà Tròn chia sẻ: “Khu vực này cây nước khoan không sử dụng được, vì bị nhiễm phèn rất nặng. Còn các ao quanh nhà toàn là nước mặn, nên vào mùa khô, gia đình rất vất vả đi đổi từng thùng nước về sử dụng. Việc nấu cơm, rửa rau, giặt đồ… phải tiết kiệm hết sức có thể. Đó là chuyện của những năm trước, chứ còn bây giờ đã có nước sạch nên không còn đau đáu lo thiếu nước nữa”.
Tương tự, mùa khô năm nay hàng ngàn hộ dân các xã ven biển như Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) đã không còn chịu cảnh thiếu nước. Công trình hồ chứa nước ngọt (khoảng 600.000m3) phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho khu vực huyện An Minh (kinh phí 123 tỷ đồng) được đưa vào sử dụng; nhờ vậy mà đã “giải khát” cho người dân trong vùng.
Ông Dương Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Vân Khánh (huyện An Minh), cho biết: “Hàng năm cứ vào mùa khô, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhưng năm nay đã không còn. Nước cấp từ nhà máy vừa sạch, vừa giá thấp… nên bà con rất phấn khởi”.
Theo ông Trương Quốc Quang, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu, sau các đợt hạn mặn lịch sử thì công tác đầu tư nước sinh hoạt cho vùng nông thôn được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, người dân vùng hạn mặn đã chủ động mua dụng cụ, đào ao hồ để trữ nước. Vì vậy, năm nay tình trạng thiếu nước sạch không còn căng thẳng.
Đầu tư nhiều công trình chứa nước
Nỗ lực là vậy, song ở ĐBSCL vẫn còn một số nơi thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô như tại lâm phần vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau). Nguyên nhân là do khu vực này nguồn nước bị nhiễm phèn, cư dân thưa thớt… nên khó đầu tư các trạm nước sạch. Bà Phan Bé Tư (ở kênh 33, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) than: “Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán vài tháng là trong nhà hết nước ngọt. Dù đã chủ động mua lu, bồn về trữ nước, nhưng vẫn không đủ, thế là việc nước nấu nướng và ăn uống phải đổi từng bình nước với giá cao”.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, do đặc điểm điều kiện tự nhiên nên vào mùa khô nhiều nơi ở Cà Mau không có nguồn nước ngọt bổ sung, nguồn nước ngọt chủ yếu được dự trữ vào mùa mưa. Lâu nay, đa số người dân vùng nông thôn sử dụng nước giếng khoan dành cho sinh hoạt (hơn 176.500 hộ, khoảng 76%); sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung (khoảng 41.400 hộ, khoảng 18%); còn lại khoảng 6% (khoảng 14.000 hộ) thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Nhằm đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân vào mùa khô, tỉnh Cà Mau đã triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt với diện tích 102ha tại vùng U Minh, kinh phí trên 180 tỷ đồng, dự kiến cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 dân. Nói về công trình trên, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, hồ chứa nước ngọt là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Ngoài mục tiêu chính là cung cấp nước sinh hoạt, còn có nhiệm vụ trữ nước phục vụ phòng chống cháy rừng và cung cấp một phần nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô.
Bộ NN-PTNT cho biết, thời gian qua, một số công trình đã và đang được đầu tư xây dựng như cống Cái Lớn, Cái Bé, hồ Kênh Lấp (Bến Tre), hồ chứa nước TP Hà Tiên (Kiên Giang), hồ chứa huyện Vị Thủy (Hậu Giang)… đã góp phần bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, bị ảnh hưởng xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Mục tiêu là xây dựng các công trình trữ nước, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân bị khan hiếm nước, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, bị ảnh hưởng hạn mặn… thuộc 7 tỉnh ĐBSCL, với khoảng 132.242 hộ dân (bao gồm khoảng 130.242 hộ dân trong đất liền và khoảng 2.000 hộ ở đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang). Dự án xây dựng mới khoảng 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; sửa chữa, nâng cấp khoảng 38 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; xây mới 1 hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu với dung tích khoảng 230.000m3, trạm xử lý nước và các hạng mục phụ trợ khác… Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.104 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.