“Thời cơ vàng” để du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL phát triển
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện. Tổng khách du lịch đến TPHCM năm 2020 đạt trên 17 triệu lượt, giảm trên 66%, trong đó khách quốc tế đến TPHCM năm 2020 đạt 1,3 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm gần 85% so với cùng kỳ.
Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách du lịch đạt 27,7 triệu lượt, giảm trên 41% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho rằng, tuy có tiềm năng để trở thành điểm du lịch trong tương lai, nhưng một số điểm khảo sát đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo an toàn và vệ sinh nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.
“Trong tình hình dịch Covid-19 còn nhiều nguy cơ, cần liên kết xây dựng cập nhật các bộ tiêu chí an toàn du lịch với Covid-19 để tạo sự thuận lợi an toàn cho du khách trong các sản phẩm đến với khu vực ĐBSCL”, ông Tài đề xuất.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhận định, các địa phương xác định cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch đặc thù mang tính đột phá, tập trung triển khai vào các địa bàn trọng điểm, có sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng phát triển du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là “thời cơ vàng” để du lịch vùng giữa TPHCM và ĐBSCL phục hồi và phát triển.
“Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh như thời gian vừa qua, cùng với quyết tâm của lãnh đạo các địa phương thể hiện bằng việc ký kết Quy chế phối hợp thực hiện thoả thuận trong hội nghị hôm nay, cũng như sự chủ động, sáng tạo, kiên trì của cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp. Chúng ta tin tưởng rằng du lịch của vùng ĐBSCL và TPHCM sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp khu vực ĐBSCL mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế. Về đường bay, bên cạnh khai thác nguồn khách từ TPHCM, các tỉnh thành cần chú trọng khai thác khách đến Sân bay quốc tế Cần Thơ bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế (kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc).
“Các địa phương cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối những điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực, thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp cũng thống nhất tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển du lịch tại các tỉnh, thành liên kết.
14 địa phương cũng đã ký kết quy chế phối hợp thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2025.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.