Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân
(THTG) Ngày 14-5, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Tiền Giang, UBND Tp. Mỹ Tho và Ban tổ chức Lễ giỗ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân huyện Chợ Gạo phối hợp tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (tại công viên Lạc Hồng, Tp. Mỹ Tho ) nhân kỷ niệm 147 năm ngày anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hy sinh. Ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đến dự lễ.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thắp hương và dành phút mặc niệm Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Tiền Giang, Thành ủy-HĐND-UBND Tp. Mỹ Tho và Huyện ủy – HĐND-UBND huyện Chợ Gạo đặt tràng hoa, dâng hương tưởng niệm vị anh hùng của dân tộc.
Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng thông minh, khẳng khái, học rất giỏi và rất chăm chỉ học tập. Năm 1852 (dưới triều vua Tự Đức), ông dự thi hương tại Gia Định, đậu thủ khoa (đứng đầu cử nhân) và được làm Giáo thọ (tức đốc học) ở huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (tháng 2/1859), ông từ bỏ chức Giáo thọ, từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc.
Ngày 15/5/1875, sau trận giao chiến với giặc, ông bị bắt và đem giam tại Mỹ Tho. Sau 4 ngày giam cầm và dùng mọi mưu chước để chiêu hàng đều không thành, giặc Pháp khép ông vào án tử hình. Ngày 19/5/1875 chúng cho tàu chở ông theo dòng sông Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết (lúc 12 giờ trưa). Năm ấy ông 45 tuổi.
Suốt 15 năm hoạt động 03 lần khởi nghĩa – 03 lần bị bắt trên chiến trường, trong tù ngục và ngay đến khi bị xử trảm Thủ Khoa Huân luôn nêu tấm gương “tận trung báo quốc” và “đạo cương thường” vì nước vì dân. Lúc đầu mộ của ông được đắp bằng đất, đến năm 1927 con cháu của ông và nhân dân địa phương xây lại bằng đá xanh. Để tỏ lòng tôn kính nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m, ngay trường tiểu học Mỹ Tịnh An. Đến năm 1995 đền thờ Thủ Khoa Huân được dời về cạnh ngôi mộ của ông ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo. Hàng năm, vào ngày 15/4 (ÂL) đều tổ chức lễ thờ cúng ông tại đền thờ rất trọng thể.
Ngày 15/6/1987 di tích Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tin và ảnh: Thanh Tùng
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.