Phòng tránh đột quỵ cho người từng mắc Covid-19
Theo giới chuyên môn, những người sau khi mắc Covid-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi có yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì…
Tăng nguy cơ nếu có bệnh nền
Về mối liên quan giữa người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đột quỵ, nhiều nghiên cứu cho thấy một trong những di chứng hậu Covid-19 là tổn thương tim và mạch máu, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim và suy tim, đông máu… Nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Những bệnh nhân nhẹ có nguy cơ đột quỵ < 1% nhưng với những bệnh nhân nặng thuộc diện phải chăm sóc đặc biệt thì nguy cơ này có thể lên tới 6%.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Bùi Long, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị, các dấu hiệu nhận biết tình trạng huyết khối hậu Covid-19 gồm tắc mạch máu não (đột quỵ, đau đầu, ngất xỉu, yếu nửa người, hôn mê); tắc động mạch vành tim (cơn đau thắt ngực, mệt xỉu, tụt huyết áp); tắc mạch chi (chi lạnh, tím, đau nhức, hoại tử, mất vận động); tắc hệ thống tĩnh mạch ngoại biên chi dưới (phù chân một bên, tức nặng, đau); tắc mạch phổi cấp tính (khó thở tăng dần)…
Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai
Với tình trạng tắc mạch máu não sau Covid-19 gây đột quỵ, một số bác sĩ cho rằng có thể do tăng phản ứng viêm dẫn đến viêm các mạch máu, gây ra tình trạng tăng đông và hình thành huyết khối. Ngoài ra, có một số nghiên cứu cho rằng mắc Covid-19 có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.
Tuy nhiên, việc tăng nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân Covid-19 có thể do nhiều nguyên nhân trong đó một phần do tác động của đại dịch Covid-19, người dân quên việc kiểm soát bệnh nền (tim mạch, huyết áp, tiểu đường…). Thậm chí có một tỉ lệ không nhỏ người dân khi có dấu hiệu của bệnh nhưng lại sợ mắc Covid-19 nên trì hoãn việc đi khám.
PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu đột quỵ rất đáng tiếc vì thời gian nhập viện quá muộn, qua “thời gian vàng” của não. Với những trường hợp này, nếu nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế suốt đời.
Không tầm soát đột quỵ tràn lan
Theo giới chuyên môn, những bệnh nhân sau mắc Covid-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc, béo phì… Đến nay, phòng ngừa đột quỵ tiên phát trên bệnh nhân hậu Covid-19 chỉ là kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Do đó, bệnh nhân mắc Covid-19 có yếu tố nguy cơ khác kèm theo thì cần tầm soát đột quỵ. Dù vậy, không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.
“Sau mắc Covid-19, nếu bản thân có các bất thường về sức khoẻ thì nên đi kiểm tra chứ không nhất thiết phải tầm soát, sàng lọc toàn bộ theo trào lưu. Người mắc các bệnh nền nên tiếp tục kiểm soát các yếu tố nguy cơ, ngoài ra cần thay đổi lối sống, tăng cường vận động” – bác sĩ Đào Việt Phương khuyến cáo.
90% ca đột quỵ có thể phòng ngừa
Đột quỵ đặc biệt tăng ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”, áp lực công việc… Phần lớn người trẻ mắc đột quỵ thường nhập viện muộn. Tuy nhiên, có khoảng 90% ca đột quỵ xuất phát từ tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì… có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố này. Với bệnh nhân đột quỵ não, khi có những dấu hiệu nghi ngờ là tê bì tay chân một bên, mờ mắt, méo miệng, yếu liệt hoặc nói ngọng đột ngột nên đến ngay cơ sở y tế, không nên ở nhà đợi hồi phục vì sẽ qua mất “giờ vàng” điều trị.
Nguồn: NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.