Tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm do không sử dụng lại sách giáo khoa
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Sách giáo khoa lớp 1. Ảnh: Bùi Phong
Trong đó, có 2 chuyên đề là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hai chuyên đề còn lại là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 và việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Với quỹ thời gian không nhiều, các ý kiến tại phiên họp khá nhất trí lựa chọn việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để Quốc hội giám sát tối cao. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phản ánh, cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm không phù hợp. Sách giáo khoa vẫn còn lỗi in sai, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực. Có quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng cho nên gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn cho cả phụ huynh và cả các trường, các sở giáo dục. Đặc biệt, sách giáo khoa không được sử dụng lại nên hàng năm cả xã hội vẫn phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sắm sách mới, gây khó khăn lớn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo có con đi học…
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cũng băn khoăn về giá sách giáo khoa, hay việc sắp xếp môn Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học phổ thông.
Theo thông lệ, các vấn đề kinh tế thường thu hút nhiều sự quan tâm hơn cả của các đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, những ý kiến thảo luận tại phiên họp chiều 23-5 của Quốc hội nhằm lựa chọn chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao đã cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao tầm quan trọng của các vấn đề xã hội.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.