Giá đất bị đẩy lên cao khiến giấc mơ an cư của người dân trở nên xa vời
Đề cập đến lĩnh vực đất đai tại phiên thảo luận sáng 1-6 của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cảm thán: “Giá đất bị đẩy lên cao khiến giấc mơ an cư của người dân trở nên xa vời”.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QUANG PHÚC
Phân tích những góc khuất, những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu một số vấn đề.
Đó là tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như đẩy giá đất, có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu trái phiếu và nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để “đánh bóng” giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng của mình.
“Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời”, ĐB Nguyễn Thị Thủy cảm thán.
Bên cạnh đó là tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước (tiết lộ thông tin; cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích; móc ngoặc trong thẩm định giá), gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước.
“Thẩm định giá là một khâu vô cùng quan trọng trong đấu giá đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn, trong khi cơ chế kiểm soát lại hết sức lỏng lẻo. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều sai phạm trong thẩm định giá nói chung và thẩm định giá đất nói riêng”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nói.
ĐB đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ; thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.
Về các vấn đề kinh tế khác, theo ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM), trong bối cảnh khó khăn do tác động mạnh bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước, kinh tế của Việt Nam vẫn có dấu hiệu khởi sắc, tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, cấu trúc kinh tế còn nhiều bất cập.
ĐB cho rằng, thời gian tới, nguồn lực hỗ trợ phát triển cần tập trung hơn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư phát triển, nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế. Đặc biệt, cần chú trọng thiết kế chính sách theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần cân nhắc tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế; đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nguyên liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân…
Đồng thời Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội. Trước mắt, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam là thế mạnh của nước ta trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang bị khủng hoảng lương thực, ĐB nhận định. Do đó, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị việc triển khai đầu tư công cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải…
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.