Du khách tham quan rừng dừa 7 mẫu tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An
Vẫn biết thị trường nội địa đang phục hồi rất mạnh và trở thành bệ đỡ cho rất nhiều công ty du lịch, nhưng khách quốc tế lại giúp ngành du lịch cân bằng tính mùa vụ, giải quyết bài toán “trong tuần vắng – cuối tuần quá tải”. Đón dòng khách cao cấp quốc tế là cách để ngành du lịch Việt Nam không ngừng nâng cấp chất lượng, tạo ra những dịch vụ đẳng cấp vừa để cạnh tranh với thế giới, vừa tạo sản phẩm phục vụ khách cao cấp trong nước… Chính vì vậy, việc thu hút khách du lịch quốc tế sẽ góp phần đảm bảo sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói”.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng:
Gỡ khó để du lịch cất cánh
Hiện nay, ngành du lịch cần tập trung các vấn đề lớn như sau: Tiếp tục đề xuất với Chính phủ tháo gỡ vấn đề về visa; Làm mới sản phẩm du lịch, vì theo chủ đề của năm nay và năm du lịch quốc gia được phát động tại Quảng Nam, chúng ta phải hướng về du lịch xanh. Cho nên du lịch cộng đồng, du lịch về biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng là thế mạnh mà Việt Nam chào đón mùa hè này. Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ tập trung rà soát, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp điểm đến và số hóa để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, đạt mức phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế.
Vừa qua, việc Bộ VH-TT-DL lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc đề xuất bỏ yêu cầu khách mua bảo hiểm chi trả phí điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD và tiến tới dừng Phương án số 829/PA-BVHTTDL (áp dụng đối với việc mở cửa đón khách quốc tế được áp dụng từ 15-3-2022) được cho là đã cởi mở hơn trong chào đón du khách. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù đã nới rộng nhưng so với những nước trong khu vực có điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt (như Thái Lan, Indonesia, Singapore…), các chính sách dành cho du lịch nước ta vẫn thiếu linh hoạt. Xu hướng hiện nay của khách du lịch là chọn những điểm đến có độ mở cao về visa, nên quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế nhiều nhất. Hiện tại Việt Nam mới miễn thị thực cho 13 nước ngoài khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan đang miễn cho 65 nước và miễn tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh, Indonesia miễn tới 30 ngày và sẽ tiếp tục gia hạn khi khách có nhu cầu. Còn Việt Nam, câu chuyện áp dụng thị thực xuất – nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn (30 ngày); thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục… vẫn tiếp tục là “hành trình đề xuất”.
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống đã trở lại bình thường. Không chỉ đối với ngành du lịch mà trong tất cả các lĩnh vực khác, chúng ta cần rà soát lại tổng thể và dẹp bỏ những quy định chống dịch không còn phù hợp. Làm như vậy, không chỉ giúp cho nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng phục hồi sau đại dịch mà còn đưa cuộc sống trở lại bình thường – không phải “bình thường mới”.
Tour cao cấp được ưa chuộng
Điều ngạc nhiên là sau dịch Covid-19 số lượng khách chịu chi, yêu cầu các gói dịch vụ tốt tăng đáng kể. Nhiều khách đi riêng lẻ cùng gia đình, sẵn sàng bỏ ra từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho một tour thiết kế riêng với lộ trình thỏa thuận. Hiện tại Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Fiditour – Vietluxtour, TSTtourist, BenThanh Tourist… đều có những sản phẩm chuyên biệt này.
Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc TSTtourist, nhìn nhận, du khách hiện nay mong muốn được trải nghiệm du lịch thực sự chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa”, nên người làm du lịch mạnh dạn từ chối những dịch vụ khiến khách mệt mỏi. Hiện tại, TSTtourist đang khai thác tour cao cấp mang tên “Hành trình trải nghiệm âm nhạc Sun Memory” đến Phú Quốc 3 ngày 2 đêm, với dịch vụ mang tầm quốc tế như khách được bay trên chuyến bay hạng C, ngắm hoàng hôn hoặc bình minh trên du thuyền cao cấp trong không gian riêng tư, nghỉ ngơi, ăn uống theo sở thích, thưởng thức các tiết mục âm nhạc nghệ thuật đặc biệt.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.