Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tới mức sàn
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12-2022.
Chính sách giảm thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến áp dụng đến hết ngày 31-12-2022
Theo hồ sơ trình thẩm định dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12-2022. Theo đó, xăng: giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay: giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel: giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn: giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn: giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Riêng dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây đã là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 1-1-2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.
Đánh giá tác động của chính sách này, cơ quan trình cho biết, hiện nay, các hoạt động kinh tế – xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 là năm 2019.
Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7-2022 và có hiệu lực từ ngày 1-8-2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nếu tính cả phần ước giảm thu NSNN theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 23.954 tỷ đồng) và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 (khoảng 1.584 tỷ đồng) thì tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm là khoảng 32.538 tỷ đồng.
Về đề xuất tính toán giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cơ quan trình lý giải, theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại.
Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê, số thu thuế TTĐB đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.
Nếu giá dầu thế giới 7 tháng cuối năm 2022 bình quân khoảng 110 USD/thùng thì số thu thuế TTĐB đối với xăng 7 tháng cuối năm 2022 ước khoảng 9.614 tỷ đồng (bình quân 1.373 tỷ đồng/tháng). Khi đó, tổng số thu thuế TTĐB đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.117 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1995. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo số liệu thống kê năm 2019 (giai đoạn trước dịch Covid-19) thì sản lượng tiêu thụ trong nước của mặt hàng xăng chiếm tỷ trọng khoảng 37% trong tổng sản lượng xăng, dầu.
Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB, do đó nếu thực hiện giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế TTĐB tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc áp dụng thuế TTĐB đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải.
Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay (kỳ họp gần nhất là tháng 10, 11-2022), trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.
Từ những lý do nêu trên, đề nghị trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 21-6-2022), giá xăng trong nước đã thiết lập mức cao nhất trong lịch sử (giá xăng E5RON92 là 31.302 đồng/lít; xăng RON95 là 32.873 đồng/lít…). Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.