Lăng tẩm Huế – kỳ quan nghệ thuật kiến trúc Việt
“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được/ Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Đúng là hiếm một nơi nào lại có vẻ đẹp trữ tình như xứ Huế - một thành phố có hai di sản thế giới - với những thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa miếu cổ kính kết hợp hài hoà với không gian cảnh quan sông núi thơ mộng và phong tục tập quán, vốn văn hoá truyền thống của người dân đất cố đô.
Chính vì vậy, chúng tôi - những hướng dẫn viên du lịch - đã có nhiều lần đưa du khách tới thành phố này, vẫn chọn Huế là điểm đến dài ngày nhất trong hành trình dọc theo các di sản miền Trung để trau dồi thêm kiến thức thực tế cho nghề nghiệp.
|
Lăng Khải Định. |
Trong những ngày ngang dọc mảnh đất thần kinh xưa, khác với những lần trước chỉ tập trung vào các cung điện, đền chùa, thành quách… lần này, những lăng tẩm cổ kính và thâm nghiêm của nhà Nguyễn đã làm mê hoặc chúng tôi. Có dành nhiều thời gian trải nghiệm và thu lượm, chúng tôi mới hiểu tại sao những công trình này lại được coi là một thành tựu rực rỡ của nền kiến trúc cổ VN.
Triều Nguyễn có đến 13 vua, nhưng hiện ở Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm cho 9 vị vua. Đó là các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Dục Đức, Khải Định. Một điều đặc biệt là hầu hết các lăng tẩm được xây khi các vị vua đang còn trên ngai vàng. Có thể thấy, mỗi lăng là một công trình kiến trúc thể hiện tiêu biểu cho tính cách của mỗi ông vua có lăng. Nhưng có lẽ, hai khu lăng tiêu biểu nhất là lăng Tự Đức và lăng Khải Định.
Lăng Tự Đức nằm trong một thung lũng, cách trung tâm TP.Huế 5km – được xây dựng trong thời gian từ 1864 - 1867 với kiến trúc cầu kỳ, uốn lượn, phong cảnh sơn thủy hữu tình đúng như tính cách của một ông vua thi sĩ. Tự Đức – hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn - đã xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Đây có thể coi là hành cung thứ hai của Vua Tự Đức.
Theo nhiều tài liệu và lời kể của người dân địa phương, lúc mới xây, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn “chày vôi” của những người thợ xây lăng, bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.
Lăng như một công viên lớn, gồm hai phần chạy song song với nhau là tẩm điện và lăng mộ với gần 50 công trình kiến trúc đều có chữ khiêm ở đầu. Nhưng có lẽ, đáng chú ý trong tẩm điện là điện Hoà Khiêm - nơi thờ hoàng đế và hoàng hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời.
Trong khu lăng mộ, chúng tôi ấn tượng nhất là Bi Đình bên những cây đại cổ thụ với tấm bia bằng đá nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung ký” do Tự Đức soạn, dài 4.935 chữ, là bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, sự nghiệp. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc toả sáng.
Chia tay lăng Tự Đức - một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình theo quan niệm phương Đông. Chúng tôi đến thăm khu lăng Khải Định - một công trình công phu, lộng lẫy, tinh xảo với sự kết hợp của hai nền kiến trúc, văn hoá Đông – Tây thể hiện buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Vua Khải Định. Từ khi lên ngôi, ông đã say sưa với việc xây lăng mộ cho mình. Khải Định trị vì được 9 năm thì băng hà (1925), thọ 40 tuổi.
Lăng Khải Định cách TP.Huế 10km, được xây suốt từ năm 1920-1931 – là lăng xây tốn kém nhất trong các lăng của Huế với rất nhiều vật liệu nhập ngoại. Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc và được chia ra thành 3 cấp.
Qua 3 lớp nền, chúng tôi đến với công trình tiêu biểu nhất là cung Thiên Định – công trình ở vị trí cao nhất của lăng và được xây rất tinh xảo. Toàn bộ nội thất đều được trang trí bằng nghệ thuật ghép sành sứ đạt tới đỉnh cao với những môtíp hết sức quen thuộc như: Tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc… Còn dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ cửu long ẩn hiện trong mây. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật đặc sắc cho di tích này.
Qua chuyến đi thú vị này, chúng tôi thấy lăng Tự Đức và lăng Khải Định thực sự là những công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc tiêu biểu. Nó không chỉ làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế mà còn góp những giá trị không nhỏ cùng với các danh lam thắng cảnh, nét văn hoá độc đáo của cố đô Huế, biến nơi đây thành một miền đất đầy quyến rũ và lôi cuốn du khách trong và ngoài nước.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.