Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới (The World Press Photo Foundation) đã công bố những tác phẩm đoạt Giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 2022. Theo đó, chiến tranh, xung đột, thảm họa thiên nhiên hay đại dịch COVID-19 là những chủ đề xuyên suốt đã được các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới ghi lại qua ống kính của mình. Đa phần trong số này là những bức ảnh đầy ám ảnh và xúc động khiến người xem phải dừng lại để suy ngẫm.
Năm nay, những người chiến thắng Giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 2022 là những tác giả – tác phẩm xuất sắc nhất được chọn ra từ 64.823 bức ảnh và các tác phẩm thuộc định dạng mở, thực hiện bởi 4.066 nhiếp ảnh gia đến từ 130 quốc gia.
Giải Ảnh Báo chí Thế giới – Hạng mục Ảnh đơn của năm: “Trường nội trú Kamloops”
Những chiếc váy đỏ treo trên thánh giá dọc theo một con đường để tưởng nhớ những trẻ em đã chết trong quá khứ tại Trường nội trú người da đỏ Kamloops (Canada) hồi thế kỷ 19, khi có tới 215 ngôi mộ không tên được phát hiện. Ít nhất 4.100 học sinh đã chết khi ở trong các trường học và Trường Kamloops là nơi có số lượng học sinh tử vong cao nhất.
“Đó là một hình ảnh khi gieo vào trí nhớ của bạn, nó truyền cảm hứng cho một loại phản ứng giác quan. Tôi gần như có thể nghe thấy sự yên tĩnh trong bức ảnh này, một khoảnh khắc yên tĩnh của toàn cầu tính về lịch sử của quá trình thuộc địa, không chỉ ở Canada mà trên toàn thế giới ”- Rena Effendi.
Tác giả: Amber Bracken (Canada, cho tờ New York Times)
Các cuộc chấm chọn Cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới năm 2022 diễn ra từ ngày 17 tháng 1 đến ngày 2 tháng 3 năm 2022. Cuộc thi có sự tham gia của Ban Giám khảo khu vực và Ban Giám khảo toàn cầu. Đây là lần đầu tiên Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới thành lập Hội đồng Sơ khảo theo khu vực (các năm trước Hội đồng Sơ khảo thành lập theo từng lĩnh vực ảnh như tin tức, thể thao, môi trường…) gọi là Ban Giám khảo khu vực. Ban Giám khảo khu vực sẽ chấm chọn tất các những bức ảnh gửi về của khu vực mình và đề xuất những tác phẩm xuất sắc nhất của từng hạng mục. Sau đó, Ban Giám khảo toàn cầu sẽ quyết định người chiến thắng của từng khu vực và từ đó chọn ra người chiến thắng toàn cầu. Có 6 khu vực: Châu Phi, Châu Á, Bắc và Trung Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Giải Ảnh Báo chí Thế giới – Hạng mục Câu chuyện của năm: “Cứu rừng bằng lửa”.
Người Úc bản địa có phương pháp đốt đất một cách chiến lược được gọi là đốt nguội, trong đó ngọn lửa di chuyển chậm, chỉ đốt cháy phần dưới và loại bỏ sự tích tụ của nhiên liệu có thể làm bùng các ngọn lửa lớn hơn. Những người Nawarddeken của Vùng đất Tây Arnhem đã thực hành đốt nguội có kiểm soát trong hàng chục nghìn năm và coi lửa như một công cụ để quản lý quê hương rộng 1,39 triệu ha của họ. “Nó được kết hợp chặt chẽ với nhau đến mức bạn thậm chí không thể tin nổi. Bạn hãy nhìn nó một cách tổng thể, nó đã được thực hiện rất tốt ”- Rena Effendi.
Tác giả: Matthew Abbott (Úc)
Năm nay, Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới trao giải theo 4 hạng mục chính gồm: Ảnh đơn, Câu chuyện, Dự án dài hạn và Định dạng mở. Ngoài ra có thêm Giải thưởng Danh dự trao cho các tác phẩm xuất sắc ở 6 khu vực.
Điều đặc biệt trong Cuộc thi năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử 67 năm của Giải Ảnh Báo chí Thế giới, tác phẩm ảnh đoạt giải cao nhất không chụp người.
Chủ tịch Ban Giám khảo toàn cầu Rena Effendi: “Những câu chuyện và bức ảnh của những người chiến thắng toàn cầu có mối liên hệ với nhau. Tất cả bốn người trong số họ, theo những cách độc đáo của riêng mình, đã truyền tải được hậu quả của sự phát triển vội vàng của nhân loại và sự tàn phá của nó đối với hành tinh của chúng ta. Những dự án này không chỉ phản ánh tính cấp bách trước mắt của cuộc khủng hoảng khí hậu mà còn cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về các giải pháp khả thi”.
Giải Ảnh Báo chí Thế giới – Hạng mục Dự án dài hạn: “Amazonian Dystopia”.
Rừng nhiệt đới Amazon đang bị đe dọa nghiêm trọng, vì nạn phá rừng, khai thác mỏ, phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên với những chính sách sai lầm dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Kể từ năm 2019, sự tàn phá của rừng Amazon ở Brazil đã diễn ra với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ. Là một khu vực đa dạng sinh học đặc biệt, Amazon cũng là nơi sinh sống của hơn 350 nhóm loài đặc hữu khác nhau. “Sự việc này khắc họa điều gì đó không chỉ có tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương mà còn trên thế giới, vì nó gây ra một chuỗi phản ứng ở cấp độ toàn cầu” – Rena Effendi.
Tác giả: Lalo de Almeida (Brazil).
Giải Ảnh Báo chí Thế giới – Hạng mục Định dạng mở: “Máu là hạt giống”.
Thông qua những câu chuyện cá nhân, La Sangre Es Una Semilla đặt câu hỏi về sự biến mất của hạt giống (dòng máu), di cư ép buộc, thuộc địa hóa và sau đó là sự mất mát kiến thức của tổ tiên. Video bao gồm các bức ảnh kỹ thuật số và phim, một số được chụp trên phim 35mm đã hết hạn sử dụng và sau đó được vẽ bởi cha của Romero. Trong hành trình đến ngôi làng tổ tiên của họ ở Une, Cundinamarca, Colombia, Romero khám phá những ký ức bị lãng quên về đất đai và mùa màng, đồng thời tìm hiểu về ông nội và bà cố của cô, những người ‘bảo vệ hạt giống’. “Có rất nhiều tầng ý nghĩa cho câu chuyện này qua cách cô ấy sử dụng âm thanh, video, ảnh tĩnh và trình tự” – thành viên Ban Giám khảo Clare vander Meersch.
Tác giả: Isadora Romero (Ecuador)
Giải Khu vực
Giải Khu vực (Châu Phi) – Hạng mục Ảnh đơn: “Biểu tình Sudan”.
Một người biểu tình ném lại một ống đựng hơi cay do lực lượng an ninh bắn ra, trong cuộc tuần hành đòi chấm dứt chế độ quân sự, ở Khartoum, Sudan, vào tháng 12 năm 2021. Người biểu tình đã tuần hành qua Khartoum và các thành phố lân cận Omdurman và Bahri, yêu cầu chuyển giao quyền lực chính trị cho chính quyền dân sự. Các cuộc biểu tình sau đó bị đàn áp.
Tác giả: Faiz Abubakr Mohamed (Sudan)
Giải Khu vực (Châu Á) – Hạng mục Ảnh đơn: “Trẻ em Palestine ở Gaza”.
Trẻ em Palestine cầm nến trong một cuộc biểu tình giữa đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel, ở Beit Lahia vào tháng 5 năm 2021. Cư dân Gaza quay trở lại những ngôi nhà bị hư hại khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas được duy trì. Lệnh ngừng bắn đã kết thúc 11 ngày giao tranh khiến hơn 250 người Palestine và 13 người Israel thiệt mạng.
Tác giả: Fatima Shbair (Palestine)
Giải Khu vực (Châu Á) – Hạng mục Dự án dài hạn: “Xung đột Người – Hổ”.
Một con hổ đực trưởng thành băng qua đường trong khu bảo tồn hổ Tadoba Andhari, Chandrapur, Maharashtra, Ấn Độ. Mỗi con hổ đơn độc thường cần tới 15 đến 30 km vuông lãnh thổ.
Tác giả: Senthil Kumaran (Ấn Độ)
Giải Khu vực (Châu Âu) – Hạng mục Dự án dài hạn: “Cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Đường phố Hrushevskoho ở Kiev, vào ngày 22 tháng 1 năm 2014, ngày thứ hai xảy ra các cuộc đối đầu bạo lực giữa lực lượng thực thi pháp luật và những người biểu tình ủng hộ EU. Các đơn vị đặc biệt chống bạo loạn Berkouts đã sử dụng vũ khí chống lại người dân. Vào cuối ngày, họ đếm được 5 người chết và hàng trăm người bị thương. Được chụp từ 2013-2021, dự án này xem xét bối cảnh dài hạn dẫn đến cuộc chiến năm 2022 ở Ukraine.
Tác giả: Guillaume Herbaut (Pháp)
Giải Khu vực (Bắc và Trung Mỹ) – Hạng mục Ảnh đơn: “Giữa lúc tỷ lệ tử vong cao, phụ nữ da đen chuyển sang làm nữ hộ sinh”.
Tỷ lệ tử vong của phụ nữ da đen do các biến chứng sau sinh cao hơn đáng kể so với phụ nữ da trắng. Phụ nữ da đen ở Mỹ không tin tưởng vào cơ sở y tế vì vấn đề phân biệt chủng tộc sâu sắc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Tác giả: Sarah Reingewirtz (Mỹ)
Giải Khu vực (Châu Âu)- Hạng mục Ảnh đơn: “Cháy rừng ở đảo Evia”.
Kritsiopi Panayiota, 81 tuổi, phản ứng khi một đám cháy rừng đến gần ngôi nhà của bà ở làng Gouves trên đảo Evia, Hy Lạp, vào ngày 8 tháng 8 năm 2021. Sau một đợt nắng nóng kéo dài, thời tiết nóng nhất mà Hy Lạp từng chứng kiến trong 30 năm, hàng nghìn cư dân đã phải sơ tán bằng thuyền sau khi cháy rừng tấn công hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp.
Tác giả: Konstantinos TsakalidisTsakalidis (Hy Lạp)
Giải Khu vực (Nam Mỹ) – Hạng mục Ảnh đơn: “Trục xuất khỏi khu định cư San Isidro”
Các nhân viên cảnh sát bắt giữ một người đàn ông trong khi vợ và gia đình anh ta chống cự khi bị trục xuất khỏi khu định cư San Isidro ở Puerto Caldas, Colombia, vào ngày 6 tháng 3 năm 2021, cho kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nối thủ phủ của quận Risaralda với Buenaventura, Cảng biển Thái Bình Dương chính của Colombia. Các nhà chức trách cho biết, siêu dự án sẽ mang lại công việc và đầu tư cho khu vực này và phần đất này không thuộc sở hữu hợp pháp của những người bị đuổi đi. Sau khi các bức ảnh của Encina được công bố, các thành viên của chính quyền trung ương, người đã can thiệp và đuổi những người dân khỏi San Isidro đã hứa sẽ tái định cư và bồi thường cho những người dân này.
Tác giả: Vladimir Encina
Giải Khu vực (Nam Mỹ) – Hạng mục Câu chuyện: “Lời hứa”.
Em Antonella đang học qua Zoom bằng điện thoại di động của mẹ, trong phòng của em tại nhà ở Buenos Aires, Argentina, vào tháng 6 năm 2021. Vào tháng 8 năm 2020, Antonella tự hứa sẽ chỉ cắt mái tóc dài của mình khi em quay lại trường học trực tiếp. Các học sinh không thể đến trường vì đại dịch COVID. Em chia sẻ: “Khi quay lại trường học, em muốn mọi người thấy em là một con người khác và em cũng cảm thấy em trở thành một con người khác”. Cô ấy cắt tóc vào ngày 25 tháng 9 năm 2021, cuối tuần trước khi cô ấy trở lại lớp học.
Tác giả: Irina Werning, Trung tâm Pulitzer
Giải Khu vực (châu Á) – Hạng mục Câu chuyện: “Rạp chiếu phim Kabul”.
Asita Ferdous ngồi trong nhà của mình ở Kabul, Afghanistan vào ngày 10 tháng 11 năm 2021. Cô là giám đốc của Rạp chiếu phim Ariana, nhưng không được phép vào rạp chiếu phim vì Taliban đã ra lệnh cho các nữ nhân viên Chính phủ tránh xa nơi làm việc của họ.
Tác giả: Bram Janssen (Hà Lan).
Giải Khu vực (Bắc và Trung Mỹ) – Hạng mục Định dạng mở: “Hoa của thời gian: Núi đỏ của Guerrero”
Đối với người Na Savi, người lớn tuổi được kính trọng vì họ chứa đựng sự thông thái và kết nối với ‘đất mẹ’. Vào ngày 31 tháng 12 hàng năm, các cộng đồng bản địa Na Savi leo lên Cerro de la Garza để thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ sự kết thúc và bắt đầu của một vòng tuần hoàn.
Tác giả: Yael Martínez / Magnum Photos
Giải Khu vực (Châu Phi) – Hạng mục Định dạng mở: “Sự khao khát của người lạ”
Cô gái Hajja Oum Mohamed, 53 tuổi, trong khu vườn của cô ở Thung lũng Gharba. Bức ảnh được thêu bởi tác giả.
Tác giả: Rehab Eldalil
Giải Khu vực (Châu Âu) – Hạng mục Câu chuyện: “Khi vùng đất băng cháy”
Các tình nguyện viên chữa cháy địa phương tạm nghỉ để kiếm thức ăn ở Magaras, trung tâm Sakha, Siberia, vào tháng 7 năm 2021. Ô nhiễm khói trầm trọng và lớp băng vĩnh cửu tan chảy vào năm 2021. Đến giữa tháng 8, hơn 17 triệu ha đã bị tàn phá bởi lửa, theo Greenpeace Russia, đám cháy lớn hơn nhiều so với các khu vực bị thiêu rụi bởi hỏa hoạn ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Mỹ và Canada kết hợp lại.
Tác giả: Nanna Heitmann – Magnum Photos
Giải Khu vực (Châu Phi) – Hạng mục Câu chuyện: “Sợ đến trường”
Đôi dép của học sinh bị bắt cóc vẫn nằm trên mặt đất tại Trường Trung học Bethel Baptist, ở Chikun, bang Kaduna, Tây Bắc Nigeria, vào ngày 14 tháng 7 năm 2021.
Các vụ bắt cóc học sinh của các nhóm Hồi giáo và các băng đảng có vũ trang tiếp tục ảnh hưởng đến các trường học ở Nigeria. Các nhóm này bắt cóc sinh viên để chống lại chủ nghĩa thế tục của phương Tây, để kiếm tiền nhanh chóng thông qua tiền chuộc hoặc mặc cả để được thả các thành viên Boko Haram bị cầm tù. Vào năm 2014, chiến dịch #BringBackOurGirls (trả lại các bé gái cho chúng tôi) đã tạo ra dư luận phản đối ở quốc tế và các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, ngày nay các vụ bắt cóc vẫn tiếp diễn mà truyền thông quốc tế không chú ý. Theo Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, hơn 12 triệu trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái – bị chấn thương tâm lý và sợ đến trường.
Tác giả: Sodiq Adelakun Adekola, Agence-France Presse
Giải Khu vực (Châu Phi) – Hạng mục Dự án dài hạn: Cuộc chiến Zeb.
Etosoa Mihary và Tsiry Tam, đến từ làng Ambatotsivala bị bắt vì tình nghi sát hại một cư dân của làng lân cận ở Amboasary Sud, Madagascar, vào tháng 6 năm 2014. Trong vài thập kỷ, những người dân nông thôn ở miền nam và miền tây Madagascar đã phải đối mặt hàng ngày với bạo lực và nạn trộm cắp zebu – một loại gia súc có bướu có giá trị cao, bởi những nhóm đàn ông được gọi là dahalo (tạm dịch là ‘kẻ cướp’). Sự can thiệp của Chính phủ đối với hành vi trộm cắp zebu rất gay gắt.
Tác giả: Rijasolo
Giải Khu vực (Bắc và Trung Mỹ) – Hạng mục Câu chuyện: “Những người làm nghề đóng gói thịt ở Mỹ”
José ngồi trong phòng với chị gái của mình, Sara, ở Sioux Falls, Nam Dakota, Hoa Kỳ, vào tháng 9 năm 2020.
Jose làm việc trong một nhà máy đóng gói thịt cho đến khi dịch COVID bùng phát vào tháng 4 năm 2020. Anh ấy đã nằm ở bệnh viện với máy thở trong 5 tháng và vẫn phải sử dụng bình oxy. Sara cũng làm việc tại nhà máy, nhưng đã nghỉ việc và chuyển sang làm nghề giúp việc, dọn dẹp nhà cửa. Cô đã chăm sóc anh trai mình trong thời gian anh bị bệnh. Trên toàn quốc, người nhập cư chiếm 37% lực lượng lao động ngành thịt. Trong thời gian đại dịch, các nhà máy đóng gói thịt vẫn hoạt động vì chúng được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng, vì vậy dịch bệnh COVID lây lan nhanh chóng trong ngành công nghiệp này.
Tác giả: Ismail Ferdous / Agence VU
Giải khu vực (Châu Âu) – Hạng mục Định dạng mở: “Cuốn sách của Veles”
Hai người sản xuất tin tức giả tạo đeo mặt nạ ‘Anonymous’.
“Cuốn sách của Veles” được xuất bản vào tháng 4 năm 2021 như một dự án tài liệu về việc sản xuất tin tức giả ở Veles, một thị trấn thuộc tỉnh Bắc Macedonian, nơi đã ghi dấu trên bản đồ thế giới vào năm 2016 là một tâm chấn cho việc sản xuất tin tức giả. Sáu tháng sau khi xuất bản, tác giả Jonas Bendiksen công bố rằng nội dung cuốn sách hoàn toàn hư cấu. Tất cả những người được miêu tả đều là mô hình 3D do máy tính tạo ra. Nền của hình ảnh được tạo ra bằng cách chụp ảnh các không gian trống trong Veles và chuyển chúng thành không gian 3D. Dự án đặt câu hỏi về mức độ dễ dàng mà tin tức giả có thể được sản xuất, lưu hành và tin tưởng.
Tác giả: Jonas Bendiksen
Nguồn: Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.