Thu hồi gần 50.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Ngày 19/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Bộ thực hiện 94 nhiệm vụ, đã hoàn thành 63 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thẩm định 8 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…
Đối với công tác thi hành án dân sự, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng tiếp tục được quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/6/2022), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong là 348.490 việc (đạt tỉ lệ 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 29,47%). Một số địa phương đạt kết quả cao về tiền như: Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Cao Bằng, Lai Châu.
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, theo báo cáo, đến nay đã thi hành xong hơn 49.800 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 79.781 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, cảm ơn những nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2021.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp chủ yếu. Trong đó, Bộ tiếp tục cụ thể hóa những định hướng, chủ trương liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII). Tham gia có chất lượng trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tham gia, trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; triển khai xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
“Cần hết sức cẩn thận trong công tác thẩm định và góp ý văn bản. Đặc biệt trong bối cảnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, tránh lợi ích nhóm. Nếu tham mưu sai là có vấn đề” – ông Lê Thành Long lưu ý, đồng thời nhấn mạnh Bộ thực hiện tốt, có trách nhiệm các nhiệm vụ mà ngành tư pháp được giao trong việc đấu giá tài sản, cũng như việc tham gia ý kiến pháp lý để xử lý những vụ việc tồn đọng, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra của Đảng và thi hành các bản án.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Bộ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự, tổ chức theo dõi việc thi hành án các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính theo đúng quy định; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Dự án đầu tư công về xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc bảo đảm kết nối, chia sẻ với dữ liệu đăng ký khai sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các dữ liệu khác của Bộ, Ngành…./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.