Chân dung nữ tổng giám đốc IMF
Cuối cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã chọn được người cầm trịch vào rạng sáng 29-6 (giờ Việt Nam) là bà Christine Lagarde để lèo lái con thuyền tài chính thế giới trước cơn bão táp nợ châu Âu.
Bà Christine Lagarde (giữa) và các đồng nghiệp rời điện Elysée, Paris sau cuộc họp nội các hằng tuần ngày 29-6 - Ảnh: AFP |
“Một phụ nữ thanh lịch, điềm tĩnh và bản lĩnh cộng với khả năng nói tiếng Anh hoàn hảo” - báo chí thế giới mô tả bà Christine Lagarde bằng những từ như thế sau khi nữ bộ trưởng tài chính Pháp này đắc cử chức tổng giám đốc IMF.
Ngôi sao nhạc rock của thế giới tài chính
Bà Christine Lagarde là một chính khách nổi tiếng ở Pháp, chỉ sau Tổng thống Nicolas Sarkozy. Lớn lên ở thành phố cảng Le Havre, sau khi tốt nghiệp ngành luật ở Paris, Lagarde tiếp tục lấy bằng thạc sĩ luật tại Viện Khoa học chính trị ở Aix-en-Provence. Năm 1981 khi tròn 25 tuổi, bà sang Mỹ hành nghề luật sư và gia nhập Công ty luật quốc tế Baker & McKenzie ở Chicago, để rồi 18 năm sau người phụ nữ này đã lên lãnh đạo công ty nổi tiếng khắp thế giới này.
Bà bước vào con đường chính trị tháng 6-2005 với chức vụ bộ trưởng thương mại dưới thời cựu tổng thống Jacques Chirac. Với bốn năm ở cương vị bộ trưởng tài chính Pháp, bà Christine Lagarde đã thường xuyên gặp gỡ các nhà tài chính hàng đầu thế giới, và càng thường xuyên hơn nữa kể từ khi Pháp nắm vai trò nước chủ nhà của G20 vào tháng 11-2010. Bà được mô tả như “một ngôi sao nhạc rock của giới tài chính thế giới” do tài thương thuyết trong cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 2009, tạp chí Financial Times bầu chọn bà Christine Lagarde là “Bộ trưởng tài chính xuất sắc nhất châu Âu”.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng không tiếc lời: “Bà Lagarde là một tài năng lỗi lạc và kinh nghiệm phong phú”. Trong khi đó đối với ông Dominique Moisi, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp: “Bà là một bậc nữ lưu có cá tính mạnh, có khả năng, đáng tin cậy, có một hình ảnh thật tốt trên trường quốc tế”.
“Phép thử” cho tân tổng giám đốc IMF
Bà Christine Lagarde sẽ bay đến Mỹ nhậm chức vào ngày 5-7 tới. Vấn đề đầu tiên mà bà sẽ phải đối mặt là cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, đặc biệt là giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hi Lạp.
Tân tổng giám đốc sẽ phải lãnh đạo IMF trong thế cân bằng giữa nhu cầu phát triển nhanh của các nền kinh tế mới nổi và việc phục hồi kinh tế của các nước phát triển. Bà sẽ tiếp tục các chương trình dở dang mà cựu tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn đã xúc tiến như việc tạo điều kiện cho các thị trường mới nổi có tiếng nói hơn tại IMF. Theo AP, bà Lagarde cho biết ưu tiên hàng đầu của bà khi lãnh đạo IMF là thống nhất 2.500 nhân viên của IMF và 800 nhà kinh tế nhằm khôi phục niềm tin của giới tài chính vào IMF.
Giới chuyên gia nhận định sự hiểu biết cơ chế hoạt động của các định chế chính trị quốc tế cũng là lợi thế cho bà khi điều hành IMF. “Do bà không phải là một nhà kinh tế nên so với hầu hết những người tiền nhiệm, cách tiếp cận của bà Lagarde sẽ mang tính chính trị hơn là chuyên môn. Bà sẽ chú trọng nhiều hơn các kết quả xã hội mà các khoản viện trợ của IMF mang lại cho các thành viên” - ông Jean - Louis Mourier, nhà kinh tế thuộc Công ty đầu tư Aurel BGC ở Paris, nói.
Sau khi đắc cử, bà Lagarde cho biết bà mong muốn được gặp riêng ông Strauss-Kahn nếu được Chính phủ Mỹ cho phép, bởi “người kế nhiệm nên trao đổi với người tiền nhiệm. Tôi có thể học hỏi được nhiều điều từ ông ấy về IMF và nhân viên mới của mình”- bà Lagarde nói.
Cựu tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn vẫn đang bị giam tại gia ở Manhattan (New York). Vụ bê bối tình dục mà ông là nhân vật chính vẫn chưa kết thúc, và phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 18-7 tại New York.
“Nữ hoàng” Christine Lagarde “Bà Christine Lagarde nói năng lưu loát, thậm chí hơi nhiều nữa là khác. Không gì khiến bà bối rối, nhưng giống như các chính trị gia, bà không bao giờ trả lời thật sự vào các câu hỏi và thường tìm cách câu giờ bằng cách tán rộng vấn đề. Bà gây cảm giác là một nhà ngoại giao lão luyện. Còn ông Augustin Cartens lại nói năng thẳng thắn, không rào đón. Câu trả lời của ông trực tiếp vào câu hỏi, và ông gây cảm giác là ông ta hiểu ngay bạn muốn lái câu chuyện đến đâu qua những câu hỏi của mình. Ông ta không lần chần để tránh né và không cố tìm cách câu giờ bằng một thứ ngôn ngữ vòng vo. Đó là một người gây cho ta cảm giác an tâm, biết mình nói gì và tự tin biết rõ những bằng cấp cùng 30 năm trong nghề đủ cho thấy mình có khả năng ngồi vào cái ghế lãnh đạo IMF. Khi nói về cách thức điều hành tổ chức tài chính hàng đầu thế giới này thì hai ứng cử viên này dường như lại bộc lộ thật khác biệt. Bà Christine Lagarde chỉ nêu ngắn gọn vài điểm mà qua đó người ta hiểu bà đã có suy nghĩ chín chắn, nhưng lại rất chung chung. Tôi hỏi bà liệu việc bà không là một nhà kinh tế có phải là một thiếu sót không, và bà ta trả lời rằng: “Nếu như điều đó không ngăn cản tôi trở thành một bộ trưởng tài chính của nước Pháp thì tôi chẳng thấy có lý do mà điều ấy lại ngăn cản tôi trở thành người đứng đầu IMF cả”. Mặc dù bà trả lời hết thảy các câu hỏi của tôi, song bà lại không cố tìm cách trình bày kế hoạch của bà về tổ chức này. Còn ông Augustin Cartens lại có hẳn một kế hoạch chi tiết và rõ ràng mà ông không bỏ qua cơ hội để chia sẻ. Cứ nghe ông ta nói, người ta như thấy rõ ông vừa là một nhà kinh tế thông minh vừa là một người hiểu rõ IMF cùng những vấn đề tài chính quốc tế. Càng nói ông càng tỏ ra cho thấy ông nắm chắc đề tài này và ông cũng biết điều này. Hai người đã để lại những ấn tượng rất khác biệt. Tôi nhớ đến bà Christine Lagarde với một sự thán phục nhất định, nhưng có cái gì đó như nói với tôi rằng đó là cách mà người dân nói về một nữ hoàng. Còn tôi lại nhớ đến ông Augustin Cartens với một lòng yêu mến, như một người mà tôi có thể làm bạn và có thể cùng nhau bù khú một tối đẹp trời nào đó. Đáng tiếc Mexico không phải là một cường quốc”. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.