Nhà báo livestream phiên tòa trên không gian mạng có thể bị phạt đến 30 triệu đồng
Một nội dung rất đáng chú ý liên quan đến các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là việc nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp (livestream) trên không gian mạng có thể bị phạt từ 7 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình tại phiên họp.
Trình bày tờ trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay 15-8, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Trí Tuệ nhận định: “Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp”.
Nhằm khắc phục tình trạng này, dự thảo quy định hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có cảnh cáo và phạt tiền, bên cạnh đó có xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân lên đến 40 triệu đồng, còn với tổ chức đến 80 triệu đồng.
Pháp lệnh cũng thể hiện cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự; hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bắt giữ máy bay, bắt giữ tàu biển và hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.
Liên quan đến hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; nhà báo không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.
Ngoài ra, nhà báo bị xử phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ được áp dụng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng do luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện có mức phạt cao hơn so với những người tham gia tố tụng khác là phù hợp. Quy định này chỉ áp dụng đối với luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia trong vụ án, vụ việc với tư cách là người bào chữa, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
“Trong quá trình hành nghề, họ phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; góp phần bảo vệ công lý, công bằng”, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp lưu ý. Vì lẽ đó, nếu luật sư, trợ giúp viên pháp lý lợi dụng vị trí, kiến thức, trình độ am hiểu pháp luật để vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền trong chính vụ án, vụ việc mà họ tham gia hành nghề, thì cần phải xử phạt nghiêm.
Nguồn: SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.