Nông dân phấn khởi vì lúa hè thu trúng mùa, trúng giá

      Đến nay nông dân Hậu Giang đã thu hoạch được gần 13.000 ha trên tổng diện tích gieo cấy 78.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha, tăng hơn năm trước 2 tạ/ha. Hiện tại, mặc dù giá lúa có giảm hơn so với đầu vụ từ 500 đến 700 đồng/kg nhưng vẫn còn ở mức cao, dao động trên dưới 5.100 đồng/kg lúa khô. Giá lúa ướt thu hoạch ngay thời điểm mưa dầm được thương lái thu mua tại ruộng từ 3.800 đến 4.200 đồng/kg. Do phần lớn nông dân thiếu nơi phơi sấy nên bà con đều bán lúa ướt cho thương lái.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Hậu Giang: do lúa năm nay vừa trúng mùa, trúng giá nên lợi nhuận của nông dân đạt khá. Với giá bán như hiện nay và chi phí giá thành trong vụ này là 3.200 đồng/kg (cao hơn vụ trước 400 đồng/kg), lợi nhuận thu được trong vụ này bình quân đạt từ 12 đến 15 triệu đồng/ha, chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư. Nông dân đã đầu tư tăng được 31 máy gặt đập liên hợp, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp trên địa bàn Hậu Giang lên 76 máy, giúp bà con thu hoạch nhanh, giảm chi phí hơn so với các năm trước. Khó khăn lớn nhất trong vụ này là chi phí cho phân bón, vật tư tăng cao, thiếu sân phơi, lò sấy trong khi hầu hết diện tích thu hoạch đều rơi vào giai đoạn mưa bão. Nhờ sản xuất có lãi nên ở một số huyện Châu Thành A, Vị Thủy… sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, bà con đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lại lúa vụ 3.

 

Bà con nông dân thu hoạch lúa
(Ảnh minh họa. Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)


Nông dân huyện Càng Long (Trà Vinh) đã thu hoạch được gần 8.000 ha lúa vụ hè thu, chiếm trên 57% diện tích xuống giống. Năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so với vụ lúa hè thu năm ngoái, cao nhất kể từ trước đến nay. Giá lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện dao động từ 4.500- 4.600 đồng/kg, lúa phơi khô làm sạch đủ chuẩn chế biến xuất khẩu có giá từ 5.400- 5.500 đồng/kg. Theo các hộ nông dân cho biết, tuy chi phí sản xuất lúa vụ hè thu tăng hơn vụ đông xuân 2010- 2011 khoảng 15- 25% (tuỳ điều kiện đất) nhưng với năng suất và giá cả như hiện nay, bình quân mỗi hécta người trồng lúa thu lãi khoảng 12- 15 triệu đồng, riêng các hộ thâm canh tốt đạt năng suất 6- 7 tấn/ha có mức lãi cao hơn nhiều.

Càng Long là huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Trà Vinh, hàng năm sản xuất 3 vụ lúa gồm: đông xuân, hè thu và thu đông, với diện tích khoảng 14.000- 14.500 ha/vụ, trong đó sản xuất lúa vụ hè thu thường gặp nhiều khó khăn nhất. Năm nay cũng không ngoại lệ, vào thời điểm đầu vụ tình hình khô hạn, mặn xâm nhập diễn ra khá gay gắt, đe dọa trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu trên địa bàn huyện. Nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, quản lý chặt việc vận hành các công trình thủy lợi đầu mối trong việc ngăn mặn, tiếp ngọt một cách hiệu quả nhất; thực hiện xuống giống một cách đồng loạt, đúng lịch thời vụ theo hướng “né” rầy và hạn mặn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương… Trong chế độ canh tác, có khoảng 90% nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận, có sức kháng rầy cao, áp dụng chương trình “3 tăng, 3 giảm” một cách triệt để, đặc biệt là không sạ dày và bón thừa đạm cho cây lúa…

Ông Trần Văn Tâm, Phó Giám đốc Công ty lương thực Trà Vinh cho biết: Công ty đang triển khai mua tạm trữ 60.000 tấn gạo (tương đương khoảng 120.000 tấn lúa) trong vụ lúa hè thu theo chỉ tiêu phân bổ của Tổng công ty lương thực miền Nam. Vụ lúa hè thu năm 2011, nông dân tỉnh Trà Vinh xuống giống được khoảng 80.000 ha, với sản lượng ước đạt 400.000 tấn lúa. Để hoàn thành chỉ tiêu mua gạo tạm trữ và mua hết lúa hàng hóa trong dân, ngoài việc tổ chức 04 điểm mua lúa gạo tại các khu vực trọng điểm lúa vụ hè thu, Công ty lương thực Trà Vinh phối hợp chặt với khoảng 30 khách hàng là các đại lý, cơ sở xay xát lúa gạo trong tỉnh, triển khai mua tạm trữ 6 0.000 tấn gạo trong vụ lúa hè thu. Đặc biệt, Công ty vừa hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động kho chứa gạo tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, công suất 70.000 tấn/năm. Kho chứa gạo này được xây dựng theo hệ thống khép kín, với các trang thiết bị hiện đại từ khâu thu mua, chế biến, phân tích chất lượng và tạm trữ lúa gạo.

Năm 2011, Tổng công ty lương thực miền Nam giao chỉ tiêu cho Công ty lương thực Trà Vinh xuất khẩu 150.000 tấn gạo. Đến nay, Công ty đã mua vào được 82.000 tấn gạo, hiện đã ký kết hợp đồng được 70.000 tấn và xuất khẩu được 60.000 tấn, với tổng kim ngạch hơn 15 triệu USD./.