Giá xăng giảm, giá dầu tăng hơn 1.400 đồng mỗi lít
Từ 15h chiều 5.9, Liên bộ Công Thương – Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng/lít, dầu DO tăng 1.430 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 về 23.350 đồng (giảm 370 đồng), xăng RON 95-III là 24.230 đồng (giảm 430 đồng) một lít.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng, chỉ riêng dầu mazut giảm giá. Cụ thể, dầu diesel là 25.180 đồng một lít, tăng 1.430 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 25.440 đồng, tăng 1.390 đồng, dầu mazut có giá 16.079 đồng/kg, giảm 470 đồng.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 451-493 đồng vào quỹ. Dầu DO và dầu hoả chi sử dụng Quỹ bình ổn từ 100-300 đồng mỗi lít.
Trước đó, tại kỳ điều hành hôm 22.8, giá xăng không có biến động. Mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 lần lượt là 24.660 đồng và 23.720 đồng một lít. Còn dầu diesel tăng 850 đồng một lít, lên mức 23.750 đồng. Mỗi lít dầu hỏa cũng đắt thêm 730 đồng, có giá mới là 24.050 đồng.
Thị trường xăng dầu trong nước vừa qua ghi nhận những biến động không nhỏ về vấn đề nguồn cung. Không chỉ các đại lý, thương nhân phân phối, một doanh nghiệp đầu mối lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng vừa lên tiếng kêu khó khăn. Theo doanh nghiệp này, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong việc tạo nguồn khi việc mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức sự thiếu hụt.
Petrolimex dẫn chứng, thông thường bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp này khoảng 17.000 m3/ngày, tuy nhiên mấy ngày gần đây sản lượng tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31.8 sản lượng bán lẻ trực tiếp là 27.000 m3 tăng 60% so với ngày thường.
Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex cũng không ngừng tăng cao.
Trước tình hình nêu trên, Petrolimex lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ ở một số nơi hoặc một số thương nhân nhượng quyền có thể xảy ra nếu việc kiểm soát tồn kho và công tác vận chuyển không được phối hợp chặt chẽ, đặc biệt đối với các địa bàn xa các kho xăng dầu đầu mối.
Thực tế, thị trường vừa qua đã ghi nhận tình trạng đứt gãy nguồn cung khi nhiều cửa hàng xăng dầu hết hàng, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Chưa kể, tình trạng chiết khấu 0 đồng, lỗ kéo dài khiến nhiều cửa hàng, thương nhân kiệt quệ…
Những bất cập của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cùng việc điều hành của cơ quan quản lý – Bộ Công Thương – ngày càng lộ rõ hơn. Điều này đòi hỏi sự nhanh chóng sửa đổi để tạo thị trường lành mạnh hơn.
Nguồn laodong.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.