Vụ lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu hecta
Ngày 22/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2022; Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 tại các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè Thu toàn vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long diện tích lúa gieo sạ 1,5 triệu hecta, sản lượng gần 9 triệu tấn, giảm 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đối với lúa vụ Thu Đông các tỉnh, thành ĐBSCL gieo sạ hơn 700 hecta, đạt 100% kế hoạch, năng suất ước đạt hơn 5,7 tấn/hecta, sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn. Vụ mùa toàn vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long diện tích lúa gieo sạ hơn 265.000 hecta, tăng 19.400 hecta; sản lượng ước đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 151.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Vụ lúa Thu Đông, Cục Trồng Trọt đã lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ Đông Xuân 2022 – 2023, tuy nhiên, thời vụ gieo trồng Thu Đông vẫn muộn hơn cùng kỳ năm trước do thu hoạch lúa Hè Thu muộn và xuống giống vụ Thu Đông trong các tháng muộn hơn năm trước. Về giống lúa sử dụng cho vụ Thu Đông đã chọn những giống chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.
Theo đánh giá của Cục Trồng Trọt, thực hiện cánh đồng lớn vùng ĐBSCL, vụ Thu Đông 2022 ước đạt 100.000 hecta bằng 70% so với các vụ trước đây. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy đã giúp việc giảm lượng giống lúa gieo sạ được thực hiện tốt. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn sử dụng lượng giống gieo sạ cao, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết, kế hoạch sản xuất lúa Đông Xuân 2022-2023 sẽ xuống giống khoảng 1 triệu 580 nghìn hecta, sản lượng ước đạt 11 triệu 189 nghìn tấn, cơ cấu giống phù hợp để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường. Trong đó, vùng ĐBSCL khoảng 1,5 triệu hecta, còn lại là vùng Đông Nam bộ. Cục Trồng Trọt cũng lưu trong vụ lúa Đông Xuân tới các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.
“Đối với sản xuất lúa của vùng ĐBSCL chúng ta không được chủ quan, bởi vì một cái vụ lúa nào nó cũng có những bất lợi riêng về thời tiết, thủy văn. Dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Có thể xảy ra theo hướng tích cực, có thể xảy ra theo hướng tiêu cực cho sản xuất lúa nói chung. Vì thế, chúng ta luôn luôn dựa theo tinh thần cảnh giác cao nhất, ví dụ nếu ĐBSCL có xâm mặn sớm vào tháng 12 và tháng giêng và kéo dài cho đến tháng 4 đến tháng 5 thì chúng ta làm thế nào đó thời điểm này vùng mà nguy hiểm nhất chúng ta không có cây trồng trên đồng ruộng”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về vụ lúa Đông Xuân tới các địa phương sẽ xuống giống đúng lịch thời vụ, đối với 400.000 ha của 8 tỉnh ven biển xuống giống trong tháng 10 để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Còn khoảng 700 hecta xuống giống trong tháng 11, số diện tích còn lại xuống giống dứt điểm trong tháng 12, cơ cấu giống phù hợp để phục nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
“Bà con nông dân các địa phương đã giảm được lượng phân bón rất nhiều, giảm phân bón năng suất không bị giảm và một điểm quan trọng nữa là lượng giống sạ những năm vừa qua chúng ta đã có chuyển biến nhưng chậm, hiện nay các địa phương vẫn còn sử dụng quá nhiều giống lúa để sạ, vừa gây phí hạt giống, vừa gây phát thải khí nhà kính, rồi tiêu tốn nước, cũng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Chúng tôi đề nghị phải tập trung cao độ hơn nữa trong xây dựng gói kỹ thuật hướng tới giảm chi phí, nhất là lượng phân bón rồi thuốc bảo vệ thực vật và lượng giống sạ”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.
Theo dự báo từ ngành chức năng, vụ lúa Đông Xuân tới, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020. Với khả năng cấp nước hiện tại của các công trình thủy lợi, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh ven biển với tổng diện tích gần 60.000 hecta, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Các diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trên phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, cần chủ động gieo cấy sớm các diện tích không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ. Đối với các địa phương khác tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn nhưng cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước trường hợp diễn biến nguồn nước bất thường xuất hiện./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.