Nga trục vớt thiên thạch nặng nửa tấn

Từ một hồ nước tại vùng Ural (Nga), hôm 16.10, các thợ lặn đã kéo lên một vật nặng nửa tấn, được cho là một phần của thiên thạch rơi xuống vùng này hồi tháng 2, gây ra vụ nổ lớn làm rung chuyển mặt đất và khiến 1.200 bị thương.


Một cảnh sát đứng gần hố sâu khoảng 6 m tại một hồ nước đóng băng, được cho là nơi thiên thạch từng rơi xuống, ở khu vực Chelyabinsk thuộc vùng Ural – Ảnh: AFP

Chiến dịch thu gom mảnh vỡ thiên thạch diễn ra 8 tháng sau khi thiên thạch này rơi xuống khu vực Chelyabinsk thuộc vùng Ural, miền trung nước Nga, theo AFP.

Thiên thạch sau đó đã vỡ ra thành vô số mảnh vụn và một số mảnh chỉ nhỏ bằng móng tay, các nhà khoa học Nga cho hay. Phần lớn các mảnh vỡ của thiên thạch rơi xuống một hồ nước trong vùng, có tên gọi là hồ Chebarkul.

Truyền thông Nga đã phát sóng hình ảnh một nhóm thợ lặn kéo một tảng đá dài 1,5 m từ hồ Chebarkul lên sau khi bao bọc tảng đá này bằng một vỏ bọc đặc biệt ngay khi nó còn dưới nước.

Tuy nhiên, khi bắt đầu nhấc bổng tảng đá lên khỏi mặt đất bằng đòn bẩy và dây thừng để đặt lên một bàn cân, thì tảng đá đã bị vỡ làm nhiều mảnh.

“Khối đá đã bị nứt khi chúng tôi tìm thấy nó”, một nhà khoa học giấu tên nói với trang tin lifenews.ru (Nga).

“Cái cân cho thấy khối đá nặng 570 kg trước khi bị vỡ ra. Ngay khi đặt nó lên bàn cân thì chiếc cân cũng hư nốt”, ông này nói thêm.

Các chuyên gia cảnh báo rằng cần có thời gian để xác minh trước khi có thể khẳng định đây là thiên thạch.

Kênh tin tức Vesti 24 (Nga) cho biết đã có hơn 12 mảnh vỡ được cho là của thiên thạch dưới lòng hồ Chebarkul kể từ sau khi vụ nổ xảy ra.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4 hoặc 5 mảnh được xác định là đến từ không gian.

Được biết, thiên thạch rơi xuống khu vực Chelyabinsk hồi tháng 2 nặng đến 10.000 tấn và đã phát nổ trên không trung khi cách mặt đất khoảng vài km.

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng vật thể với kích cỡ như trên thường chỉ bay vào Trái đất mỗi bốn thập kỷ một lần.

Nguồn Thanh niên