Tiền Giang triển khai trồng trọt vụ Đông Xuân ở phía Đông
(THTG) Ngày 20-10, tại huyện Gò Công Tây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch trồng trọt vụ Đông Xuân 2022-2023 tại các huyện phía Đông nhằm chủ động trong việc điều hành sản xuất và quyết tâm sản xuất thắng lợi vụ mùa quan trọng nhất trong năm này.
Quang cảnh hội nghị triển khai kế hoạch trồng trọt vụ Đông Xuân ở phía Đông. Ảnh: Bá Thủy
Theo dự báo thì ở vụ Đông Xuân tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn năm trước, diễn biến dịch hại phức tạp, giá vật tư nông nghiệp vẫn đứng ở mức cao nên quan điểm sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT là sử dụng giống tốt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Ở vụ mùa này, cây lúa vẫn giữ vị thế chủ lực với kế hoạch gieo trồng khoảng 21.035 ha, ước sản lượng trên 137.600 tấn. Đồng thời sản xuất 12.600 ha rau màu các loại để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2023 với sản lượng ước đạt 236.500 tấn, kết hợp với chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái hiện có, phấn đấu đạt sản lượng trên 106.500 tấn.
Một số thống kê được trình bày tại hội nghị. Ảnh: Bá Thủy
Để sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân 2022-2023, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng, kịp thời hướng dẫn người dân phòng, trị mang lại hiệu quả cao, nhất là tổ chức xuống giống đúng lịch thời vụ từ ngày 01/11 đến 20/11/2022 để tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra ở cuối vụ, ổn định thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở NN & PTNN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Thủy
Riêng chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ thời gian xuống giống lúa Đông Xuân 2022-2023 của người dân. Đối với những diện tích lúa Thu Đông 2022 cho thu hoạch trễ nên chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày. Ngoài ra, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, vận động nông dân tiếp tục duy trì và mở rộng các liên kết sản xuất lúa, các chuỗi giá trị trên cây ăn trái, cây rau màu tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy định, hình thành vùng chuyển đổi tập trung, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.