Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội rồi lừa đảo nhiều người

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trước khi lừa đảo, đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ về con mồi mà chúng nhắm đến từ cách xưng hô giữa bị hại và bạn bè của họ, để tạo lòng tin.

Tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo 389 Quốc gia diễn ra mới đây, các lực lượng chức năng đã nhận diện và phân tích các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội, nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản. Theo đó, rất nhiều trường hợp bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội nhưng người dân thường không để ý và cũng không biết làm thế nào để tránh.

Đối tượng Phí Văn Hưng, ở Thạch Thất, Hà Nội vừa bị Công an quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội bắt giữ về hành vi lừa đảo. Trong thời gian ngắn, Hưng cùng đồng bọn đã chiếm đoạt nhiều tài khoản mạng xã hội của người dùng để vay tiền. Tại cơ quan công an, Phí Văn Hưng khai nhận, bất kỳ mạng xã hội nào cũng có thể hack nick chiếm quyền sử dụng nếu chủ tài khoản để chế độ công khai các thông tin cá nhân.

“Đầu tiên, tôi vào Facebook bất kỳ em tìm gmail, vào phần giới thiệu tìm ngày sinh, số điện thoại, đăng nhập gmail đoán mật khẩu bất kỳ, nếu vào được thay đổi thông tin thay hết gmail trong đó đi, bắt Facebook, sau đó nhắn tin vay mượn tiền trên Facebook…”, đối tượng Hưng cho hay.

h2-luatsu_1280x720-800-resize.png

Rất nhiều trường hợp bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (Ảnh minh họa: KT)

Anh Đỗ Quốc Hùng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nạn nhân kể lại, đã chuyển hơn 4 triệu đồng cho đối tượng chiếm đoạt tài sản Facebook của một người quen mà không hề hay biết. Anh Hùng cho biết, bản thân là người rất cẩn thận, nhưng đối tượng đã đưa ra lý do rất thuyết phục, cụ thể thông tin cá nhân, độ thân tình nên không thể nghi ngờ bị lừa đảo và chuyển tiền ngay lập tức.

“Nó nói hợp tình hợp lý với câu chuyện là tôi đang mua vali của chị ấy thì tôi không có một chút ngần ngại gì, tôi chuyển nhanh luôn, sau mấy phút nữa đối tượng lại nhắn tiếp: bây giờ chị có việc gấp quá chuyển cho chị 20 triệu nữa được không thì lúc ấy tự dưng bật ra ngay là mình bị lừa rồi. Những người bị lừa là thường vào hoàn cảnh như vậy…”, anh Đỗ Quốc Hùng kể lại.

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trước khi lừa đảo, đối tượng đã nghiên cứu rất kỹ về con mồi mà chúng nhắm đến từ cách xưng hô giữa bị hại và bạn bè của họ, để tạo lòng tin. Sau đó, đối tượng vẽ ra nhiều câu chuyện khác nhau nghe rất hợp lý để hướng đến mục đích cuối cùng là mượn tiền rồi nhờ chuyển tiền vào một tài khoản khác.

Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an nhận định, khi các trường hợp bị chiếm đoạt tài khoản Facebook để lừa đảo là những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Kẻ gian sẽ rất dễ dàng vay mượn tiền bạn bè, người quen của họ, vì người nổi tiếng khi có nhu cầu thì thường có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ.

“Khuyến cáo với người dân, những thông tin cá nhân phải bảo mật khi có một ai vay tiền của mình, mình phải tìm hiểu kỹ nhân thân lai lịch cũng như phải gọi điện trực tiếp không để các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…”, đại tá Vũ Như Hà lưu ý.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, nếu người dân phát hiện tài khoản Facebook nhắn tin vay tiền đã bị hack thì cần thông báo ngay cho người thân, bạn bè và trình báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo./.

Nguồn VOV1