2023 – Năm không dễ dàng với kinh tế thế giới
Theo Báo The Straits Times, khi một năm 2022 đầy khó khăn sắp khép lại, nền kinh tế thế giới trong năm mới 2023 cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro, là một năm gập ghềnh với các nền kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu.
Các nhà đầu tư sẽ thận trọng khi nền kinh tế toàn cầu được đự đoán đối mặt với nhiều rủi ro trong năm 2023 |
Ám ảnh suy thoái
Theo giới quan sát, châu Á có thể sẽ có một sự khởi đầu chậm chạp trong năm 2023. Xuất khẩu sụt giảm có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế yếu kém trong nửa đầu năm 2023 và tăng trưởng có thể chạm đáy trong quý 2. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế của châu Á và toàn cầu. Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ mở cửa hoàn toàn vào đầu quý 3-2023 và do đó, thiết lập được sự phục hồi tiêu dùng vào nửa cuối năm.
Những điều này sẽ giúp phục hồi theo chu kỳ tăng tốc vào nửa cuối năm sau, dẫn đến tăng trưởng GDP đạt 4,4% cho châu Á trong năm 2023. Với khả năng suy thoái có thể xuất hiện ở phần lớn các nước phát triển vào năm 2023, đây dường như là kết quả tốt đối với châu Á.
Suy thoái là chủ đề được nhắc đến khá nhiều thời gian qua. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết mọi nơi – xuống 2,7% vào năm 2023, từ mức 3,2% năm 2022 trên toàn cầu. Nhưng khả năng xảy ra suy thoái lại là vấn đề gây tranh cãi, ngoại trừ ở Liên minh châu Âu (EU), khu vực mà nhiều người đồng ý là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái toàn cầu chủ yếu sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Mỹ.
Những người lạc quan, chiếm thiểu số trong số các nhà kinh tế, cho rằng thế giới sẽ tránh được suy thoái vì bảng cân đối kế toán tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh, quá trình tạo công ăn việc làm vẫn đang diễn ra, và lĩnh vực dịch vụ vẫn đang mở rộng. Họ cũng khẳng định rằng lạm phát đã đạt đỉnh và việc tăng lãi suất sẽ ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, họ cho rằng nhiều quốc gia trong thế giới đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh, khó có thể rơi vào suy thoái.
Những nhân tố khó tiên liệu
Theo các chuyên gia, nền kinh tế thế giới còn có thể bị tác động mạnh mẽ bởi các sự kiện bất ngờ: như xung đột Nga – Ukraine leo thang với việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp; lãi suất tiếp tục tăng cao, đồng USD mạnh và giá lương thực cao đẩy một số quốc gia đang phát triển mắc nợ nhiều đến bờ vực phá sản. Ông Alfred Kammer, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF, nhận định về khả năng tăng lương mạnh ở châu Âu và Mỹ, tạo ra một vòng xoáy giá cả – tiền lương. Một số nhà quản lý thu nhập cố định thì lo ngại về thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên kém thanh khoản trong một sự lặp lại quy mô lớn những gì đã xảy ra ở Anh hồi tháng 9-2022, khi người mua tránh xa vì lo ngại lãi suất tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng cường thắt chặt định lượng bằng việc giải phóng trái phiếu kho bạc, thêm vào nguồn cung dư thừa.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù không có “dự đoán thảm khốc nào” trong số này xảy ra, thì vẫn có đủ khả năng để đảm bảo rằng 2023 sẽ là một năm không dễ dàng đối với các nền kinh tế toàn cầu.
Theo một cuộc khảo sát của KPMG, phe ủng hộ suy thoái gồm 86% giám đốc điều hành (CEO), hầu hết (60%) cho rằng suy thoái sẽ ở mức độ nhẹ và ngắn hạn.
Một cuộc khảo sát của Tạp chí The Wall Street Journal cho thấy, 2/3 số người trả lời dự báo về một cuộc suy thoái trong năm 2023.
Trong bản cập nhật tháng 10 về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cảnh báo rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua đi, và đối với nhiều người, 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.
Ở thái cực bi quan nhất là nhà kinh tế Nouriel Roubini, người dự đoán rằng không những sẽ xảy ra suy thoái, mà nó còn là một cuộc suy thoái “nghiêm trọng, kéo dài và tồi tệ”.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.