Công nghệ xóa sổ hộ khẩu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Cũng theo Nghị định 104, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong CSDLQGVDC được thực hiện bằng 1 trong 4 phương thức gồm: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với CSDLQGVDC hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID; sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với CSDLQGVDC, bao gồm thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD gắn chip; các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Từ ngày 1-1-2023, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử. Mọi thông tin về công dân giờ đây được tập trung trong CSDLQGVDC do Bộ Công an được giao quản lý mà các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan có thể truy xuất khi cần thiết theo quy định dành cho mình.
Về lý thuyết, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy chỉ là bỏ hình thức quản lý dữ liệu cư trú bằng sổ sách, giấy tờ. Nhà nước vẫn duy trì quản lý hộ khẩu, chỉ khác là bây giờ chuyển sang dùng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Tất nhiên, người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú như trước.
Điều người dân mong mỏi là nhân “sự kiện” xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát những quy định, thủ tục bắt buộc phải có sổ hộ khẩu mà lâu nay thực tế là không cần thiết. Mọi thứ nay đều có thể sử dụng công nghệ khi Việt Nam thực sự chuyển đổi số toàn diện quốc gia cho một xã hội số. Đó mới là chuyển đổi số thực chất chứ không phải tiếp tục theo cái nếp gọi là “bình mới, rượu cũ”.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.