Đất nước sang xuân, vững niềm tin thắng lợi
Sau chuỗi ngày giá rét thì từ ngày 30 Tết đến mồng 2, tiết trời ấm dần lên, nhất là thời khắc ấm áp trước Giao thừa khiến không khí đón năm mới tại các địa phương của tỉnh Lạng Sơn trở nên sôi động.
Pháo hoa rực rỡ chào Xuân Quý Mão tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: THÀNH NGUYỄN) |
Đêm 30 Tết, tại trung tâm 11 huyện, thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa và tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân. Từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) về thành phố Lạng Sơn, hai bên đường đều được trang trí cờ Tổ quốc, băng-rôn khẩu hiệu nổi bật với những dòng chữ: Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới…
Thượng tá Vi Văn Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: Năm nay, việc phòng, chống dịch Covid-19 đã bước sang hoàn cảnh mới, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ vẫn thực hiện trực Tết bảo đảm an ninh trật tự phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa, phòng, chống đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; bảo vệ bà con các dân tộc đón Tết bình yên, vui tươi, lành mạnh… Tối 30 Tết, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn thăm hỏi, tặng quà kiểm tra công tác trực Tết và động viên cán bộ, chiến sĩ, các đồn biên phòng cùng các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.
Tại thành phố Lạng Sơn, diễn ra Đường hoa xuân xứ Lạng với chủ đề “Xuân an vui, Xuân thịnh vượng, Xuân sum vầy”. Năm nay cũng là năm đầu tỉnh khai mạc triển lãm “Chợ phiên Kỳ Lừa xưa” với hơn 100 hiện vật gồm những hình ảnh, tài liệu về những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Thành, chùa Nhị-Tam Thanh, đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng), đông đảo người dân và khách thập phương đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công gìn giữ biên cương Tổ quốc…
Tại Lào Cai, trong những ngày trước Tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã xuống cơ sở kiểm tra thực tế, thăm hỏi và chúc Tết nhân dân ở các huyện, xã, đồn biên phòng, bệnh viện, trường học. Mặt trận Tổ quốc, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và hàng chục doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã trao, hỗ trợ hơn 50.000 suất quà Tết, với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng và nhiều vật dụng sinh hoạt, quần áo ấm cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Tối 30 Tết, tại sân cỏ khu phố Đinh Lễ, ngay sát bên bờ sông Hồng, thuộc phường Cốc Lếu, hàng nghìn người dân đổ dồn về thưởng thức Chương trình nghệ thuật đón Giao thừa Quý Mão 2023. Sau màn pháo hoa mừng năm mới, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và người dân thành phố Lào Cai đã đến Đền Thượng thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Sáng mồng 1 Tết, Công ty TNHH một thành viên xuất, nhập khẩu Tiến Thành và Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Hưng Phát đã mở 13 tờ khai hải quan, xuất khẩu hơn 350 tấn thanh long, mít, xoài, chôm chôm, trị giá gần 7 tỷ đồng, qua Cửa khẩu đường bộ Kim Thành. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã tặng hoa cho lái xe chở chuyến hàng đầu tiên thông quan qua Cửa khẩu Kim Thành, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của hai bên. Theo UBND thị xã Sa Pa, lượng khách đặt phòng nghỉ trong dịp Tết tăng cao, nhất là vào các ngày từ mồng 3 đến mồng 5 Tết, công suất phòng đạt 95%, tập trung ở phân khúc trung, cao cấp tại khu vực trung tâm.
Tại Quảng Ninh, tối 30 Tết, thành phố Hạ Long tổ chức chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023 tại 2 địa điểm là Quảng trường 30/10, phường Hồng Hải và Vườn hoa khu Trới 5, phường Hoành Bồ. Với chủ đề “Quảng Ninh rạng rỡ những mùa hoa”, chương trình gồm 5 phần: Ngày Tết Việt Nam, Quảng Ninh rạng rỡ những mùa hoa, Hạ Long-Khúc giao mùa, Cung chúc Tân Xuân, Sắc màu kỳ quan, có sự tham gia của gần 300 ca sĩ, diễn viên với nhiều tiết mục hát, múa, trống hội. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, phường Hoành Bồ chia sẻ: “Năm nay, cả nhà tôi đều ra phố để được hòa chung niềm vui xuân, đón Tết và mong ước một năm mới an lành, hạnh phúc”.
Tối 30 Tết, tại Quảng trường Trung tâm văn hóa thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào năm mới 2023. Với chủ đề “Thành phố Móng Cái-Chào năm mới 2023”, các nghệ sĩ, ca sĩ đã đem đến cho những người dân nơi địa đầu đông bắc của Tổ quốc những giai điệu vui tươi, sâu lắng trong thời khắc chuyển giao của đất trời. Anh Đinh Nghĩa Bình, Phó Trưởng phòng Thông tin-Văn hóa thành phố Móng Cái, cho biết: “Cùng với khí thế mới, thời cơ mới trong năm mới 2023, tôi tin tưởng thành phố Móng Cái tiếp tục vững vàng trên chặng đường phát triển, hướng đến xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Tại thành phố Cẩm Phả, Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Cẩm Phả chào Xuân Quý Mão 2023” diễn ra sôi nổi tại Quảng trường 12/11 gồm 3 phần: Mùa xuân dâng Đảng, dâng Bác kính yêu; Cung chúc tân xuân và Đất Mỏ vào xuân. Trong thời khắc Giao thừa, tại Đền Thượng thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông đã diễn ra nghi lễ mở cửa Đền đầu năm mới Quý Mão 2023.
Ngày mồng 1 Tết, tại các thôn, bản của các huyện vùng cao Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Tại nhà văn hóa các thôn, khu phố diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian như: đánh quay, bóng đá, kéo co, bóng chuyền hơi, cầu lông… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và cổ vũ.
Tại huyện đảo Cô Tô, sáng mồng 1 Tết Quý Mão 2023 diễn ra Lễ Thượng cờ chào đón Xuân Quý Mão. Giữa mênh mông biển trời đông bắc, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cùng dự Lễ Thượng cờ với niềm xúc động, trang nghiêm, thành kính. Thấy màu cờ Tổ quốc đỏ thắm giữa trùng khơi mênh mông và hình ảnh tượng Bác thiêng liêng trong ngày đầu năm mới, mỗi người dân huyện đảo Cô Tô vô cùng tự hào, phấn khởi đón một năm mới hứa hẹn nhiều niềm vui mới.
Đêm Giao thừa, tại Thủ đô Hà Nội, thời tiết ấm áp sau những ngày rét buốt. Tết Quý Mão 2023 năm nay, thành phố tổ chức 31 điểm bắn pháo hoa ở trung tâm tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Riêng khu vực hồ Hoàn Kiếm tổ chức hai trận địa ở bờ đông và bờ tây. Từ khoảng 20 giờ, nhiều người đổ đến các điểm bắn pháo hoa để vui xuân, trong đó hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm đến đông nhất. Đúng 0 giờ ngày mồng 1 Tết, các điểm bắn pháo hoa đồng loạt “khai hỏa”, thắp sáng bầu trời Hà Nội trong tiếng reo vui của mọi người.
Từ trưa mồng 1 đến mồng 2 Tết, Hà Nội đông đúc những dòng người vui xuân. Người Hà Nội thường có thói quen đi lễ ở đền, chùa, cầu mong một năm mới an bình. Những di tích lớn trên địa bàn Thủ đô đều đông người đến thắp hương, dâng lễ. Những tuyến đường ra vào Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) đông nghịt người, đôi lúc còn ùn tắc cục bộ. Tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các tuyến đường ùn ứ do dòng người đổ đến cầu mong con cái học hành tấn tới và xin chữ cầu may. Những di tích chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà… cũng tấp nập người đi lễ. Một số di tích, lễ hội ở các huyện ngoại thành như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sái (huyện Đông Anh), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)… cũng có rất đông người hành hương năm mới.
Cùng với người dân trên mọi miền đất nước, người dân Đà Nẵng đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trong thời tiết thuận lợi, nắng ấm. Sau nhiều năm ngừng tổ chức bắn pháo hoa do dịch bệnh, năm nay, người dân đổ ra đường nhiều trong đêm Giao thừa để được hòa vào không khí thiêng liêng của đất trời chuyển giao năm cũ và năm mới. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động du xuân tìm hiểu Tết Việt để phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm; giao Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trước, trong và sau Tết…
Sáng mồng 1 Tết, dọc đường Bạch Đằng, cầu Rồng, Công viên APEC… người dân chen chân du xuân, thưởng lãm cảnh đẹp và cùng lưu giữ những thời khắc ý nghĩa bên gia đình, người thân. Nhiều gia đình Đà Nẵng chọn vui xuân ngay chính quê hương mình, thưởng trọn kỳ nghỉ Tết bình an. Chị Hoàng Hải Lâm Giang (trú quận Thanh Khê) cho biết: “Trải qua ba năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến Tết này cả gia đình mới được đoàn tụ sum vầy. Ngay sáng mồng 2 Tết, cả nhà gồm vợ chồng và hai con cùng dạo đường hoa. Năm mới chỉ cầu mong thật an yên, nhiều sức khỏe và may mắn đến với mọi nhà”.
Tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), lâu rồi người dân và du khách mới được chiêm ngưỡng hoa mai anh đào khoe sắc, nhuộm hồng phố núi. Tại không gian hoa mai anh đào bên hồ Xuân Hương, chị Nguyễn Lan Hương (TP Đà Lạt), chia sẻ: “Tết năm nay, Đà Lạt thật tuyệt, sắc hoa mai anh đào nhuộm hồng khắp phố phường, không khí đón xuân nồng nàn hơn; hứa hẹn năm mới sẽ có nhiều năng lượng tích cực”.
Lâm Đồng trải qua năm 2022 khá ấn tượng, với tất cả 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành; trong đó có 6 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trần Văn Hiệp, với quan điểm, phát huy lợi thế, hiệu quả nguồn lực, tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ làm động lực cho phát triển, Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa ra chủ đề năm 2023 là: “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
Duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Chu Ru, chị Nai Luyến (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình mình đều cùng nhau du xuân Đà Lạt. Mỗi tộc người đều có Tết riêng, nhưng Tết cổ truyền dân tộc thì khắp nơi như mùa hội. Mọi người đều ước mong và chúc nhau năm mới an vui, hạnh phúc và thành công”. Anh Morere Pierre, người Pháp, đã gắn bó với miền đất cao nguyên hơn 20 năm nay, cho biết: “Tết cổ truyền Việt Nam thật đầm ấm, tươi vui, người dân rất thân thiện và hiếu khách. Mình rất hạnh phúc khi được gắn bó với miền đất này”.
Du khách trải nghiệm mùa xuân phố núi Đà Lạt. (Ảnh: MAI VĂN BẢO) |
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các du khách đến tham quan thành phố đã có thời gian thư giãn đón chào năm mới tại các điểm vui chơi, giải trí. Tập trung đông nhất đó là khu vực Đường hoa Nguyễn Huệ và Đường sách Tết ngay trung tâm thành phố. Mở cửa vào ngày 19/1 (28 Tết), Đường hoa Nguyễn Huệ đã đón cả biển người đến tham quan. Với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh-Xuân an vui, xuân thịnh vượng”, Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay bước qua tuổi 20 và đã trở thành biểu tượng mới của thành phố.
Tại khu cổng chào Đường hoa tề tựu đầy đủ 20 linh vật của 20 năm Đường hoa, như hình ảnh đại diện cho 20 mùa xuân gắn liền với quá trình đổi thay, phát triển của thành phố. Một điểm nhấn nữa là ý tưởng chủ đạo lấy từ nhịp sống đô thị của Sài Gòn đa sắc thái văn hóa với mâm cơm Tết truyền thống, cà-phê bệt, mưa bụi Sài Gòn, đô thị thông minh, thành phố công nghệ. Chính vì ý nghĩa đặc biệt đó, Đường hoa Nguyễn Huệ 2023 sẽ mở cửa phục vụ thêm một ngày so với các năm trước, từ 19 giờ ngày 28 Tết đến mồng 5 Tết.
Khác với những lần tổ chức trước đây, Lễ hội Đường Sách Tết Quý Mão 2023 đã “ra riêng” tại đường Lê Lợi có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của hơn 20 nhà xuất bản, công ty mang đến lễ hội khoảng 50.000 tựa sách, gần 100.000 bản sách và nhiều hoạt động tương tác trải nghiệm Tết thật ý nghĩa. Ngoài ra, Lễ hội Đường Sách Tết 2023 còn có các hoạt động đa dạng như: Giao lưu tác giả, tác phẩm, biểu diễn kịch, tương tác trò chơi, đố vui, chơi cờ,…
Anh Nguyễn Văn Anh, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đường Sách Tết 2023 có nhiều hoạt động hơn, nhiều sách mới: Đến Đường Sách lựa chọn những quyển sách ưng ý cho mình trong ngày đầu xuân đã trở thành thói quen của gia đình”. Bên cạnh đó, từ mồng 1 Tết, nhiều sân khấu thành phố bắt đầu biểu diễn vở Tết. Nhìn chung, các vở diễn đều có nội dung nhẹ nhàng, mang đến tiếng cười tạo giây phút thư giãn cho khán giả vào dịp đầu năm mới.
Tại Đồng Nai, đúng vào thời khắc Giao thừa, người dân tại bốn địa điểm ở thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Long Thành và huyện Vĩnh Cửu được chứng kiến các màn pháo hoa rực rỡ, mãn nhãn. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, các lực lượng công an, quân đội được tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, điều tiết giao thông.
Trước đó là các tiết mục văn nghệ thu hút đông đảo người dân, nhất là công nhân lao động không về quê đón Tết: Năm qua khá khó khăn với công nhân chúng tôi vì thiếu việc làm, giảm thu nhập. Nhưng hôm nay đến đây tôi tạm gác lại mọi lo toan. Mong rằng năm mới Quý Mão, đất nước sẽ phát triển hơn, người lao động có việc làm ổn định”, chị Nguyễn Thị Hiền, cùng gia đình đến xem bắn pháo hoa tại điểm sân vận động Đồng Nai, cho biết.
Tại Công viên Bia Chiến thắng Long Khánh, trước thời khắc Giao thừa, UBND thành phố Long Khánh tổ chức khai mạc đường hoa xuân. Đường hoa với không gian rộng rãi, được trang trí nhiều mầu sắc với các tiểu cảnh, kết hợp với các yếu tố mầu sắc, nước, giỏ hoa, cây cảnh.
Tại khu du lịch Bửu Long, thành phố Biên Hòa, trong sáng mồng 1 Tết đã tổ chức chương trình khai hội mừng xuân Quý Mão 2023. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Bửu Long, Trần Đăng Ninh cho biết: Khu du lịch áp dụng dịch vụ vé trọn gói vào cổng giá 150 nghìn đồng/lượt với người lớn và 60 nghìn đồng/lượt với trẻ em, giá vé kèm tặng một chai nước suối. Với vé tham quan trọn gói, du khách có thể tham quan và vui chơi hơn 40 hạng mục trò chơi: Câu cá thiếu nhi, tàu lượn siêu tốc, xe lửa nữ hoàng, chiếu phim 7D, 12D… Từ mồng 1 đến mồng 5 Tết, tại khu du lịch này có các chương trình ca nhạc, xiếc ảo thuật hoạt động luân phiên để phục vụ du khách.
Mừng năm mới Quý Mão 2023, thành phố Cần Thơ trang hoàng rực rỡ cờ, hoa khắp các tuyến đường trung tâm, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Tối 30 Tết, đông đảo người dân thành phố tham gia chương trình nghệ thuật đón Giao thừa mừng năm mới tại sân khấu Công viên Lưu Hữu Phước (quận Ninh Kiều). Với chủ đề “Xuân Cần Thơ An khang Thịnh vượng”, chương trình gồm nhiều tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những thành tựu của thành phố Cần Thơ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đón Giao thừa, hàng nghìn người dân thành phố Cần Thơ tập trung về công viên Bến Ninh Kiều, công viên sông Hậu, cầu đi bộ Ninh Kiều… xem bắn pháo hoa. Ngoài tổ chức bắn pháo hoa tầm cao ở trung tâm quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ còn tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp ở các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ… tạo không khí vui tươi, lan tỏa từ thành thị đến nông thôn trong năm mới.
Sáng mồng 2 Tết, nhiều người dân thành phố đến Vườn hoa xuân thành phố Cần Thơ ở công viên sông Hậu (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) tham quan, chụp ảnh cùng với bạn bè, người thân, gia đình mừng năm mới. Tham quan vườn hoa xuân và chụp ảnh lưu niệm cùng con cháu, bà Lê Thị Hiền, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng chia sẻ: “Tết là dịp ông bà, con cháu đoàn tụ đầy đủ trong năm. Vì vậy, những ngày nghỉ Tết, tôi cùng con cháu đi chơi, chụp ảnh lưu niệm ghi lại những khoảnh khắc đẹp của gia đình trong năm mới. Với mong muốn cả nhà vui khỏe, hạnh phúc, công việc tốt đẹp trong năm mới”.
Một mùa xuân mới lại về trên khắp đất nước Việt Nam!
Những thành tựu vượt khó khăn trong năm cũ cho mỗi người dân Việt Nam dự cảm mới, niềm tin mới, năng lượng mới để bước vào năm mới với nỗ lực, quyết tâm và khát vọng thành công mới!
Nguồn nhandan.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.